Hơn 500 người thiệt mạng do lũ lụt tại Thái Lan

Số liệu thống kê mới nhất của Thái Lan cho biết trận lụt nghiêm trọng nhất nhiều thập kỷ qua tại nước này đã làm 506 người tử vong.
Theo Đài RFI,  số liệu thống kê mới nhất của Thái Lan công bố ngày 6/11 cho biết trận lụt nghiêm trọng nhất nhiều thập kỷ qua tại nước này đã làm 506 người thiệt mạng.

Tuy nhiên, hiện chưa có người thiệt mạng ở Bangkok do trận đại hồng thủy này.

Tại Bangkok, khu phố tài chính và thương mại ở trung tâm thành phố vẫn khô ráo. Tuy nhiên, nước vẫn tiếp tục dâng cao tại các khu vực khác ở Bangkok và đang lan gần đến các khu vực được tường bao cát bảo vệ kiên cố.

Trong bài phát biểu về tình hình lũ lụt ngày 5/11, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra khẳng định phần lớn khu phố trung tâm thủ đô sẽ không bị ngập, và nếu có bị ảnh hưởng thì cũng chỉ ở mức nhẹ. Hiện giới chức Thái Lan đang cố gắng chuyển hướng lượng nước khổng lồ đổ xuống từ miền Bắc qua các con kênh ở phía Đông và Tây của Bangkok.

Đến nay, đã có tới 1/5 diện tích thủ đô Thái Lan bị ngập. Dịch bệnh đang đe dọa dân cư ở những khu vực này, nơi người dân đang phải sống trong cảnh nước bẩn, bùn lầy, chất thải độc hại từ các xí nghiệp, rác rưởi và xác thú vật tràn ngập khắp nơi.

Mặc dù chính quyền đã ra lệnh cho dân di tản khỏi một số khu vực bị lụt nghiêm trọng, song nhiều người vẫn tiếp tục "cố thủ."

[Thái Lan: Lũ tiếp tục đe dọa trung tâm Bangkok]


Cũng trong ngày 6/11, đảng Dân chủ đối lập tại Thái Lan đã trao cho Chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra đề nghị 8 điểm yêu cầu khẩn trương ban hành các biện pháp giải quyết lũ lụt và trợ giúp những người bị ảnh hưởng.

Đảng Dân chủ nêu đề nghị này vài ngày sau khi kịch liệt chỉ trích chính phủ thiếu năng lực ứng phó thiên tai và tuyên bố sẽ đưa vấn đề này ra xem xét trong kỳ họp quốc hội sắp tới.

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn đảng Dân chủ, ông Chavanond Intharakomalsut cho biết nội dung đề nghị gồm: Thứ nhất, chính phủ phải thông tin đúng sự thật về tình hình nước lũ tràn về khu vực Bắc Bangkok, thông báo kịp thời cho nhân dân thời điểm nước lũ tràn vào và thời gian bị ngập lụt.

Thứ hai, chính phủ cần có kế hoạch sơ tán dân cụ thể và chính quyền địa phương đóng vai trò chính tổ chức sơ tán dân an toàn. Thứ ba, lực lượng cảnh sát cần nỗ lực hơn để bảo vệ tài sản công và tải sản của nhân dân.

Thứ tư, chính phủ cần công bố các biện pháp đền bù và hỗ trợ thỏa đáng cho người dân bị ảnh hưởng để họ có thể yên tâm khôi phục cuộc sống sau khi lũ rút. Thứ năm, chính phủ cần hỗ trợ hoạt động của hệ thống giao thông thủ đô, đặc biệt là tàu điện trên cao và tàu điện ngầm.

Thứ sáu, chính phủ cần có bước đi rõ ràng nhằm đảm bảo nguồn cung, kiểm soát giá cả và hệ thống phân phối các mặt hành nhu yếu phẩm tới từng khu dân cư bị ngập lụt. Thứ bảy, chính phủ cần khẩn trương thành lập các trung tâm theo dõi nguy cơ bùng phát dịch bệnh do lũ lụt gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước.

Cuối cùng, chính phủ cần có biện pháp giúp đảm bảo việc làm cho những người đi sơ tán trở về và giúp người dân khôi phục nhà cửa và cơ sở hạ tầng bị hư hại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục