Hơn 70.000 lao động ra nước ngoài trong 10 tháng

Tổng số lao động đi làm việc ở ngước ngoài trong 10 tháng là 70.253 lao động, đạt 88% chỉ tiêu xuất khẩu lao động của năm 2013.

Cục Quản lý lao động ngoài nước vừa cho biết, theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, tổng số người đi xuất khẩu lao động trong 10 tháng năm 2013 là 70.253 người, đạt 88% chỉ tiêu kế hoạch đưa 80.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài năm 2013.

Riêng trong tháng 10, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 7.496 lao động (2.904 lao động nữ). Thị trường Đài Loan vẫn tiếp tục là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất trong tháng 10 với 4.381 lao động (2.016 lao động nữ), Nhật Bản: 726 lao động, Malaysia: 436 lao động, Lào: 381 lao động: Campuchia: 305 lao động…

Đặc biệt, trong tháng 10 đã có 470 lao động hết hạn hợp đồng về nước đúng hạn được quay trở lại làm việc tại Hàn Quốc. 

Liên quan đến thủ tục xuất khẩu lao động, Cục quản lý lao động ngoài nước cũng cho biết, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa ban hành thông tư Thông tư số 22/2013/TT-BLĐTBXH quy định mẫu và nội dung hợp đồng cung ứng lao động và hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Theo thông tư này, hợp đồng cung ứng lao động phải gồm những nội dung chính: Thông tin về các bên tham gia ký kết hợp đồng, các nội dung về điều kiện cung ứng, tiếp nhận lao động, quyền và nghĩa vụ của các bên ký kết hợp đồng, tiền môi giới (nếu có), phương án giải quyết tranh chấp, thời hạn hợp đồng và gia hạn hợp đồng…

Trong khi đó, hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước cũng được quy định rõ các nội dung chính: Thông tin về các bên tham gia ký kết hợp đồng, quy định cụ thể về tên công ty sử dụng lao động và địa điểm làm việc, ngành nghề và công việc mà người lao động sẽ đảm nhận ở nước ngoài, điều kiện làm việc và sinh hoạt cũng như chế độ đối với người lao động.

Ngoài ra, các nội dung về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, quyền và nghĩa vụ của người lao động, thanh lý hợp đồng, giải quyết tranh chấp cũng phải được quy định cụ thể trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước nhận định, việc ban hành thông tư quy định mẫu và nội dung hợp đồng cung ứng lao động và hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ giúp đảm bảo quyền lợi của người lao động khi xảy ra rủi ro và tranh chấp.

Trước đây, các điều khoản trong hợp đồng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa được quy định rõ nên nhiều hợp đồng không có tên công ty sử dụng lao động ở nước ngoài, quy định cụ thể về thời gian làm việc, công việc… nên lao động rất khó xử lý khi xảy ra tranh chấp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục