Hợp tác chiến lược Trung Quốc-Iran: Biểu tượng hay thực chất?

Thỏa thuận hợp tác giữa Trung Quốc và Iran được miêu tả vừa thể hiện một liên minh chiến lược mới Trung Quốc-Iran vừa chỉ mang tính biểu tượng vô nghĩa.
Hợp tác chiến lược Trung Quốc-Iran: Biểu tượng hay thực chất? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Albawaba)

Trong bài phỏng vấn trên Tạp chí The Diplomat gần đây, Tiến sỹ Gedaliah Afterman, Giám đốc Chương trình chính sách châu Á của Viện Ngoại giao Quốc tế Abba Eban thuộc Trung tâm nghiên cứu liên ngành Herzliya ở Israel, đã đưa ra những nhận định và đánh giá về hợp tác chiến lược giữa Trung Quốc và Iran, trong đó nhấn mạnh đến khía cạnh biểu tượng và thực chất của mối quan hệ này. Nội dung như sau:

Trả lời câu hỏi về việc thỏa thuận 25 năm giữa Trung Quốc và Iran đã làm thay đổi quan hệ song phương một cách chiến lược như thế nào, Tiến sỹ Afterman trước hết đánh giá rằng thỏa thuận trên đã được miêu tả vừa thể hiện một liên minh chiến lược mới Trung Quốc-Iran vừa chỉ mang tính biểu tượng vô nghĩa.

Sự thật có lẽ lẩn khuất đâu đó. Cho đến nay, thỏa thuận được ký kết này vẫn chưa được công khai. Người ta chỉ nắm bắt được một số chi tiết nội dung thỏa thuận thông qua một bản dự thảo được Tehran đưa ra năm 2020.

Thỏa thuận hiện nay, được thảo luận lần đầu vào năm 2016, dường như là một lộ trình cho hợp tác dài hạn chứ không thể hiện một liên minh chiến lược mang tính đột phá. Thỏa thuận vạch ra những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, trong đó gồm các lĩnh vực năng lượng, ngân hàng, cơ sở hạ tầng và công nghiệp.

Bên cạnh đó, thỏa thuận cũng đề cập đến hợp tác về tình báo, chống khủng bố và đầu tư của Trung Quốc vào một số cảng của Iran. Thế nhưng, những lĩnh vực nào của thỏa thuận sẽ được triển khai và ở quy mô như thế nào lại là điều vẫn cần phải xem xét bởi những quyết định này thường nằm trong tay Bắc Kinh.

Cuối cùng, những quan ngại về khả năng hợp tác quân sự giữa Iran và Trung Quốc tại thời điểm này dường như đã bị phóng đại. Trung Quốc có lợi ích kinh tế đáng kể trong việc tăng cường quan hệ với Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh khác, do đó khó có khả năng trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn cho Iran.

[Hợp tác Iran-Trung Quốc: Yếu tố thay đổi cuộc chơi ở Trung Đông]

Đánh giá về tính biểu tượng và thực chất của thỏa thuận, tiến sỹ Afterman lập luận rằng lâu nay, mối quan tâm của Trung Quốc đối với Iran dựa vào nhu cầu đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng của mình.

Iran giữ vị trí quan trọng trong Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc và mối quan hệ thương mại đã đa dạng hóa trong những năm gần đây. Iran đã trở thành một thị trường ngày càng phát triển đối với hàng hóa Trung Quốc, và Bắc Kinh cũng tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng của Tehran.

Bắc Kinh cũng xử lý mối quan hệ của họ với Tehran qua lăng kính mối quan hệ giữa Trung-Mỹ, sử dụng Iran như một căn cứ địa chiến lược bên trong khu vực do Mỹ thống trị và làm đòn bẩy với Washington.

Thế nhưng, rốt cuộc, cần nhớ rằng Iran cần Trung Quốc nhiều hơn là Bắc Kinh cần Tehran. Những khía cạnh này đã được phản ánh trong nội dung của thỏa thuận mới ký kết nói trên.

Trước đó, hồi năm 2016, hai nước đã ký kết một thỏa thuận khác, mang tên Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện (CSP), trong đó đặt mục tiêu đưa giá trị thương mại song phương lên mức 600 tỷ USD trong vòng một thập kỷ. Tuy nhiên, trao đổi thương mại Trung Quốc-Iran đã suy giảm đều đặn trong những năm gần đây. Hiện trao đổi thương mại hai nước ở mức 20 tỷ USD/năm, giảm đáng kể so với 52 tỷ USD của năm 2014, một phần do các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Mặc dù thỏa thuận mới nhất hiện chủ yếu mang ý nghĩa chính trị và biểu tượng đối với cả Bắc Kinh và Tehran, nhưng đối với Trung Quốc, thỏa thuận này vẫn đưa ra một “chính sách bảo hiểm” quan trọng nếu căng thẳng với Mỹ làm cản trở hoạt động thương mại dầu khí với Saudi Arabia và vùng Vịnh. 

Giải thích việc thỏa thuận này giúp Trung Quốc thực hiện tham vọng lâu dài ở Trung Đông như thế nào, tiến sỹ Afterman nói rằng, theo truyền thống, Trung Quốc coi khu vực Trung Đông là một phần trong phạm vi ảnh hưởng của Mỹ.

Tuy nhiên, sự can dự của Bắc Kinh với khu vực trong thập kỷ qua đang dần thách thức vị thế của Washington tại Trung Đông. Bắc Kinh dường như không tìm cách thay thế sức mạnh quân sự của Mỹ, ít nhất là vào lúc này.

Thay vào đó, Trung Quốc tập trung thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với các đồng minh truyền thống của Mỹ thông qua đầu tư và hợp tác kinh tế và đã tự coi mình là một "cánh tay hỗ trợ" khả thi, đặc biệt là trong dài hạn.

Trên thực tế, trước khi ký thỏa thuận với Iran, Trung Quốc đã ký các thỏa thuận tương tự với các nước láng giềng Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Năm 2019, 17% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Saudi Arabia, khoảng 10% từ Iraq và chỉ khoảng 3% từ Iran (giảm so với mức cao 14%  hồi năm 2012). Con số này cho thấy Trung Quốc đã giảm đáng kể sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Iran.

Nằm trong chính sách cân bằng sức mạnh trong khu vực của Trung Quốc, thỏa thuận này nhằm trấn an Iran mà không khiến các đối tác của Trung Quốc ở vùng Vịnh và Israel phải cảnh giác.

Trên thực tế, các quốc gia vùng Vịnh có xu hướng coi thỏa thuận này là một phần của cạnh tranh siêu cường giữa Trung Quốc với Mỹ, cho rằng Bắc Kinh khó có thể đe dọa các mối quan hệ chiến lược của mình trong khu vực vì lợi ích của Iran. 

Về tác động của thỏa thuận đối với Israel, chuyên gia này ghi nhận một số chính giới Israel đã chỉ trích điều mà họ cho rằng Trung Quốc đang hỗ trợ Iran lách các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Tuy nhiên, cho đến nay, tác động của thỏa thuận đối với Israel là rất nhỏ. Thỏa thuận là một lời nhắc nhở kịp thời đối với các nhà hoạch định chính sách của Israel rằng Trung Quốc đang ngày càng "để mắt" đến Trung Đông và khu vực này có thể sẽ trở thành một đấu trường sôi nổi hơn trong sự cạnh tranh giữa các siêu cường.

Israel và các đối tác vùng Vịnh có thể được thúc đẩy để hợp tác sâu sắc hơn với Bắc Kinh, cả trên phương diện song phương và trên phương diện hợp tác theo nhóm. Ý tưởng này có thể được triển khai thông qua việc thúc đẩy một hiệp định thương mại tự do giữa Trung Quốc và các nước khu vực.

Mặc dù Israel ngày càng thấy mình rơi vào thế “kẹt” giữa cuộc cạnh tranh của các siêu cường, với khả năng chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Biden tiếp tục gây áp lực để Israel giảm can dự với Trung Quốc và bất chấp thỏa thuận gần đây giữa Bắc Kinh và Tehran, quan hệ Trung Quốc-Israel vẫn không bị ảnh hưởng. Dự kiến, Trung Quốc và Israel sẽ ký hiệp định thương mại tự do trong năm nay.

Khi được hỏi Trung Quốc sử dụng thỏa thuận này để tác động đến tầm ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông cũng như tác động đến nỗ lực của Washington nhằm đưa Tehran quay trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân như thế nào, ông Afterman bình luận thỏa thuận là một thông điệp rõ ràng của Bắc Kinh đối với Washington.

Ngoài việc tăng cường nhập khẩu dầu từ Iran trong những tháng sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ mà Joe Biden giành chiến thắng, thỏa thuận này phát đi tín hiệu rằng Trung Quốc vẫn có thể gây khó khăn cho Mỹ ở Trung Đông nhằm đáp trả việc Washington gây sức ép với Bắc Kinh ở những khu vực khác.

Mặc dù thỏa thuận đã giúp Iran thoát khỏi thế cô lập và cải thiện vị thế của họ trong quá trình quay trở lại đàm phán về Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), nhưng Trung Quốc không có ý định ngăn cản sự hồi sinh của JCPOA.

Thực tế, Trung Quốc rất mong muốn làm hồi sinh JCPOA bởi điều này sẽ giúp thực hiện hóa thỏa thuận Trung Quốc-Iran nói trên, cùng với việc các cường quốc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran. Hơn nữa, Bắc Kinh coi việc các bên quay trở lại bàn đàm phán có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy các lợi ích toàn cầu và khu vực của họ. Do đó, trong những tình huống thích hợp, Trung Quốc có thể sử dụng thỏa thuận với Iran để thúc đẩy Tehran quay trở lại bàn đàm phán./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục