Vẫn trong vòng lẩn quẩn?

HSBC: Nửa cuối năm sẽ quyết định kinh tế Việt Nam

Theo HSBC, nếu không có những cải cách để giải quyết vướng mắc lớn trong nền kinh tế, Việt Nam có thể nằm lại trong vòng luẩn quẩn.
Ngày 11/7, Ngân hàng HSBC Việt Nam vừa công bố bản báo cáo về Kinh tế Vĩ mô - Triển vọng kinh tế châu Á quý III/2013, trong đó có một phần phân tích riêng dành cho Việt Nam.

Theo HSBC, nhu cầu trong nước yếu, mà nguyên nhân chính được cho là do hệ thống ngân hàng bị đóng băng tiếp tục "giáng" những đòn nặng nề vào hoạt động kinh tế. Các chỉ số tăng trưởng chính, bao gồm chỉ số PMI ngành sản xuất của ngân hàng HSBC, chỉ số lạm phát CPI, những số liệu thương mại đều phản ánh tình hình trong nước phát triển chậm chạp.

Tăng trưởng GDP quý II/2013 đạt 5% so với cùng kỳ năm ngoái từ mức 4,8% trong quý I/2013. "Trong năm nay, chúng tôi kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng nhẹ, đạt mức 5,1% từ mức 5% trong năm 2012. Do đó, nếu không có những cải cách cần thiết để giải quyết vướng mắc lớn trong nền kinh tế, bao gồm cả hệ thống ngân hàng đang hoạt động thiếu hiệu quả và lĩnh vực thuộc chủ sở hữu Nhà nước thì Việt Nam rất có thể sẽ phát triển không tốt trong thập kỷ tới," báo cáo nhận định.

Báo cáo cũng chỉ ra, nửa cuối năm sẽ là thời gian có thể xác định xem liệu Việt Nam trong thập niên tới sẽ vẫn còn nằm trong vòng lẩn quẩn hay sẽ lấy lại đà tăng trưởng nhanh trước đây.

Hiện đã có một số dấu hiệu cải thiện, bao gồm việc Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn thành lập Công ty Quản lý Tài sản (VAMC) - thể hiện những thay đổi sâu rộng của Chính phủ nhằm cải thiện chính sách quản lý vốn chưa từng thấy trước đây.

Dù sản xuất hàng điện tử, dệt may và hàng may mặc đang tăng mạnh nhưng xuất khẩu hàng hóa đang bị gây áp lực từ giá cả toàn cầu yếu.

HSBC cho rằng xu hướng này sẽ tiếp tục cho những tháng còn lại của năm. Nhập khẩu tăng chủ yếu là do nhập khẩu những bộ phận cấu thành, trong khi nhập khẩu phục vụ tiêu dùng vẫn còn yếu.

Lạm phát dự kiến sẽ vẫn trong tầm kiểm soát do nhu cầu nội địa yếu và giá cả hàng hóa toàn cầu thấp. Nhưng nếu việc thu ngân sách chậm chạp là kết quả của sự tăng trưởng kinh tế đang ngày càng chậm hơn thì Chính phủ có thể sẽ tăng chi phí dịch vụ công cộng.

Do đó HSBC cho rằng, cơ hội để cắt giảm thêm lãi suất bị thu hẹp. Ngân hàng Nhà nước vừa cắt giảm lãi suất thị trường mở (OMO) từ 7% cuối năm 2012 xuống còn 6%./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục