Hướng tới Đại hội Đảng: Thủ đô tạo dấu ấn từ hệ thống hạ tầng

Nhìn lại một chặng đường 5 năm nhiệm kỳ đại hội và 7 năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, thành phố đã nỗ lực trong việc quy hoạch, kiến thiết tiến tới xây dựng hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh.
Hướng tới Đại hội Đảng: Thủ đô tạo dấu ấn từ hệ thống hạ tầng ảnh 1Cầu Nhật Tân nhìn từ phía huyện Đông Anh, cây cầu sẽ có hai tên gọi: cầu Nhật Tân và cầu Hữu nghị Việt-Nhật. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Hà Nội những ngày tháng 10 lịch sử tưng bừng với nhiều hoạt động kỷ niệm ngày lễ lớn. Đặc biệt, cả thành phố phấn khởi, náo nức hướng về Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2016 -2020).

Nhìn lại một chặng đường 5 năm nhiệm kỳ đại hội và 7 năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, thành phố đã nỗ lực lớn trong việc quy hoạch, kiến thiết xây dựng, tiến tới xây dựng hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh, đưa Thủ đô thành trung tâm lớn của cả nước.

Nhiều công trình mới được đưa vào sử dụng

Nhớ lại giai đoạn trước năm 2011, thành phố Hà Nội với mật độ dân cư cao, hệ thống hạ tầng xã hội và kỹ thuật chưa hoàn chỉnh, đặc biệt giao thông quá tải gây ùn tắc nghiêm trọng, úng ngập, ô nhiễm môi trường. Vùng phía Bắc sông Hồng chưa phát triển, các khu công nghiệp còn manh mún, nhiều đường vành đai chưa hoàn thành.

Bộ mặt kiến trúc đô thị một số khu vực, tuyến phố chưa được kiểm soát tốt. Các khu ở cũ đứng trước nguy cơ xuống cấp nghiêm trọng, mất an toàn cho người sử dụng...

Phát huy tính quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, Hà Nội tập trung đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị. Nhờ vậy, giai đoạn 2011-2015, hiệu quả quản lý trong các lĩnh vực quan trọng này đã có những chuyển biến rõ rệt, ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng cao. Đặc biệt, tầm nhìn cũng như chất lượng quy hoạch được đảm bảo.

Nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị và công trình trọng điểm phục vụ dân sinh được triển khai, tạo điều kiện cho đầu tư phát triển, góp phần tăng trưởng kinh tế của Thủ đô. Song, cũng từ thực tiễn triển khai cho thấy, công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị của Hà Nội còn tồn tại, hạn chế cần có giải pháp khắc phục đồng bộ để khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế phát triển đô thị.

Cũng trong giai đoạn 2011-2015, Hà Nội tập trung chỉ đạo rà soát, đẩy nhanh tiến độ triển khai, nhất là khâu giải phóng mặt bằng đối với các dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Đến nay, đã có 7/36 công trình và cụm công trình trọng điểm được hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng.

Trong 14 dự án giao thông và nhóm dự án bảo vệ môi trường cũng cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng, bàn giao cho các chủ đầu tư.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết giai đoạn 2011-2015, Hà Nội đã phát triển khoảng gần 70 khu đô thị mới về phía Tây và một phần quận Long Biên, nâng diện tích ở bình quân tại đô thị lên 23-24 m2/người và từng bước cải thiện bộ mặt kiến trúc đô thị. Hiện thành phố đã đi đầu cả nước về phát triển nhà ở xã hội và nhà ở nói chung, riêng nhà ở xã hội đạt khoảng 40% số lượng căn hộ cả nước.

Đáng chú ý, lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng đô thị có chuyển biến rõ rệt. Tình trạng xây dựng không phép cơ bản đã xóa bỏ, xây dựng sai phép có xu hướng giảm. Hệ thống cấp thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, thu gom, xử lý chất thải và các công trình công cộng được thành phố quan tâm đầu tư, cải tạo.

Từ năm 2011 đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra 62.967 công trình xây dựng, lập biên bản xử lý vi phạm 11.374 trường hợp. Việc xử lý các công trình “siêu mỏng, siêu méo” được đẩy mạnh bằng nhiều giải pháp, cơ bản không để xuất hiện các trường hợp mới.

Hà Nội đã thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý tập trung được 98% chất thải rắn ở 12 quận và thị xã, 89% chất thải rắn ở 17 huyện ngoại thành; hoàn thành xử lý khoảng trên 150 điểm úng ngập mùa mưa...

Các trung tâm thương mại, văn hóa, thể thao, dịch vụ khách sạn, công viên đã và đang được hình thành như Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Bảo tàng Hà Nội, Tòa tháp Keangnam, Trung tâm đào tạo vận động viên cấp cao, Khu liên hợp thể thao quốc gia, các Công viên Hòa Bình, Công viên Yên Sở giai đoạn 1, Công viên Yên Hòa-Cầu Giấy, Công viên Bắc Mai Dịch... tạo nên sự thay đổi lớn về hình ảnh đô thị, kích thích sự phát triển của Thủ đô.

Đặc biệt, các công trình giao thông quan trọng, đầu mối được đầu tư mở rộng và đưa vào sử dụng mang lại hiệu quả cao như Sân bay quốc tế Nội Bài, các cầu lớn vượt sông Hồng (Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân), đường Vành đai 3 trên cao, Đại lộ Thăng Long, các cầu vượt, các tuyến vành đai, cùng với các loại hình giao thông hiện đại như đường sắt trên cao, metro ngầm cũng đang được khẩn trương triển khai.

Hướng tới đô thị văn minh, hiện đại

Từ sau khi hợp nhất địa giới hành chính năm 2008, với diện tích gần 3.350km2, dân số tăng hơn 3 lần, Hà Nội rất cần một định hướng dài hạn để vươn mình trở thành một Thủ đô lớn, tầm cỡ trong khu vực cũng như thế giới. Đặc biệt, sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội đứng trước một cơ hội và thách thức mới; trong đó xác định nhiệm vụ quy hoạch phải được coi trọng hàng đầu.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định công tác quy hoạch giai đoạn này bắt đầu được triển khai đồng bộ, tổng thể trên diện rộng và gắn với việc hoạch định các không gian phát triển kinh tế- xã hội. Đây cũng là lần đầu tiên một khối lượng lớn các đồ án quy hoạch được triển khai theo Luật Quy hoạch đô thị và việc lập quy hoạch thực sự mang tính dân chủ với sự tham gia sâu của cộng đồng.

Đến nay, Hà Nội đã phê duyệt 16/35 đồ án quy hoạch phân khu, 18/31 đồ án quy hoạch chung; thẩm định, phê duyệt khoảng trên 420 hồ sơ nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chi tiết khu chức năng đô thị, hai bên tuyến đường; đồng thời phê duyệt toàn bộ các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, trình Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua, phê duyệt 39/45 đồ án quy hoạch chuyên ngành; trình sáu đồ án thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ; trong đó, đã phê duyệt 5/6 đồ án.

Thành phố đã phê duyệt 30/30 đồ án quy hoạch sử dụng đất các quận, huyện, thị xã đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015); sáu quy hoạch phát triển ngành, 29 quy hoạch điện lực các quận, huyện. Đến cuối năm 2012, hoàn thành phê duyệt toàn bộ 401 quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới.

Khẳng định những thành tựu đạt được, lãnh đạo Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần khắc phục cũng như những bài học kinh nghiệm trong công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị thời gian qua để tiếp tục thực hiện hiệu quả trong những năm tiếp theo.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, chất lượng một số đồ án quy hoạch chưa đạt yêu cầu dẫn đến việc phải điều chỉnh phù hợp thực tiễn; tồn tại mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn, cải tạo chỉnh trang đô thị, giữa quy hoạch nông thôn mới, gìn giữ các làng nghề truyền thống với quy hoạch chung. Công tác xã hội hóa đầu tư xây dựng còn hạn chế, khâu giải phóng mặt bằng còn bất cập. Quy hoạch hạ tầng cơ sở giao thông đô thị chưa đồng bộ và thiếu cân đối; phương thức quản lý vận hành sử dụng nhà chung cư, tái định cư cũng vẫn bất cập...

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng nhấn mạnh công tác quản lý trật tự xây dựng, thực hiện xây dựng theo quy hoạch chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, xử lý vi phạm tại một số công trình còn chậm. Trong khi đó, ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn chưa cao, thiếu tính tự giác, dẫn đến một số trường hợp tồn tại gây bức xúc dư luận.

Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, bất cập trên bao gồm cả yếu tố chủ quan và khách quan. Bên cạnh những yếu tố khách quan như hệ thống văn bản pháp lý còn thiếu đồng bộ, văn bản hướng dẫn chậm ban hành; nguyên tắc cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô còn chưa được đồng thuận, cũng phải kể đến trình độ, năng lực của lực lượng quản lý quy hoạch, tư vấn thiết kế, quản lý trật tự đô thị còn thiếu và yếu. Đáng lưu ý, việc thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, giám sát tại một số địa phương chưa thường xuyên, kiên quyết, kịp thời và hiệu quả.

Thời gian tới, Thành ủy-Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục quyết liệt trong chỉ đạo điều hành cùng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị các cấp. Theo đó, công tác quy hoạch của thành phố tập trung vào khu vực ngoài phạm vi phát triển đô thị thành phố Hà Nội và khu vực các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái, các khu chức năng đặc thù, các điểm dân cư nông thôn.

Thành phố sẽ tập trung đầu tư phát triển các kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, tổ chức không gian ngầm gắn liền với phát triển hệ thống đường sắt đô thị. Song song, thành phố sẽ xây dựng đầy đủ hệ thống công cụ, cơ chế chính sách quản lý trật tự xây dựng đô thị phù hợp để giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tiễn triển khai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục