ILO kêu gọi hạn chế sử dụng các loại đồ nhựa dùng một lần

Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Guy Ryder kêu gọi người dân các nước hạn chế sử dụng các loại đồ nhựa dùng một lần.
ILO kêu gọi hạn chế sử dụng các loại đồ nhựa dùng một lần ảnh 1Rác thải nhựa tại nhà máy xử lý rác thải ở Berlin, Đức. (Nguồn: EPA-EFE/TTXVN)

Nhựa đang trở thành thành phần quan trọng trong nền kinh tế hiện đại và có mặt trong tất cả các phương diện của đời sống hiện đại. Tuy nhiên, cùng với việc tạo ra những lợi ích to lớn, việc sử dụng vật liệu này tiềm ẩn rất nhiều hệ lụy.

Trong tuyên bố nhân Ngày Môi trường thế giới (5/6), Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Guy Ryder nhấn mạnh hiện có hơn 32% số bao bì nhựa không được thu gom. Hầu hết số bao bì này bị vứt bỏ tại các bãi rác hoặc trôi nổi ngoài môi trường ở các thành phố lớn, trong các đại dương hoặc các khu canh tác nông nghiệp.

Ông Ryder nêu rõ thách thức đặt ra hiện nay là chuyển đổi từ nền kinh tế sản xuất-sử dụng-thải ra rác thải nhựa sang một nền kinh tế có chu trình khép kín, thân thiện với môi trường và dựa trên việc tái chế rác thải.

Ông cũng kêu gọi người dân các nước hạn chế sử dụng các loại đồ nhựa dùng một lần. Điều này sẽ không chỉ góp phần giảm thiểu tác động tới môi trường, mà còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới.

Trước đó, trong báo cáo "Triển vọng xã hội và việc làm thế giới: Xanh hóa việc làm năm 2018," ILO nhấn mạnh việc duy trì mức tăng 5% hằng năm tỷ lệ tái chế nhựa, kính, vụn gỗ, kim loại và các khoáng sản dư thừa có thể tạo thêm khoảng 6 triệu việc làm trên toàn thế giới.

[Liên hợp quốc: Mỗi năm thế giới sử dụng 5.000 tỷ chiếc túi nhựa]

Trên thực tế, lĩnh vực kiểm soát và tái chế rác thải thời gian qua đã tạo việc làm cho hơn 500.000 người tại Brazil và một số lượng tương ứng người lao động tại Bangladesh, phần lớn là phụ nữ.

Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là việc xử lý rác thải nhựa cũng như rác thải điện tử và nhiều rác thải rắn khác dù đang gia tăng nhanh nhưng chủ yếu vẫn chưa được coi trọng và chỉ là một phần trong nền kinh tế phi chính thức của nhiều nước.

Những người lao động tại các nước này phải đối mặt nhiều vấn đề đáng quan ngại như lao động chui, bị ngược đãi, bị bóc lột sức lao động, không được luật pháp bảo vệ, không có cơ hội tiếp cận phúc lợi xã hội và lương thấp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục