Nhân Ngày Quốc tế Người di cư 18/12, ILO đã hoan nghênh cơ hội để bảo vệ tốt hơn người lao động đi làm việc ở nước ngoài của Việt Nam.
Đây là kết quả mà Luật Người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được sửa đổi mới đây mang lại.
Loại bỏ phí môi giới
Luật Người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2020, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Luật được xây dựng nhằm tăng cường bảo vệ người lao động di cư.
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết Luật đã bổ sung thêm những quy định nhằm tăng lường quản lý các doanh nghiệp, đặc biệt là các chi nhánh, đầu mối; kiên quyết xử lý nghiêm minh các doanh nghiệp vi phạm. Đặc biệt, luật đảm bảo công khai, minh bạch các chi phí được phép thu của người lao động.
[Nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ lao động Việt Nam ở nước ngoài]
Trong đó, luật đã loại bỏ phí môi giới mà người lao động phải trả cho các doanh nghiệp dịch vụ, cũng như cấm việc thu phí dịch vụ đối với người lao động đi qua các đơn vị sự nghiệp. Những người lao động phải trả các khoản phí tuyển dụng và chi phí liên quan quá cao có nhiều nguy cơ trở thành nạn nhân bị bóc lột lao động, cưỡng bức lao động, mua bán người.
Đối với các doanh nghiệp dịch vụ, luật sửa đổi giữ một số loại chi phí được phép thu từ người lao động, cụ thể là phí dịch vụ và tiền ký quỹ, nhưng đặt ra mức trần và chi tiết các khoản được phép thu sẽ được quy định trong các văn bản dưới luật.
Luật quy định phí dịch vụ trong các văn bản dưới luật và không được phép vượt quá mức trần ba tháng lương, các doanh nghiệp dịch vụ có thể thu phí này từ người lao động và bên tiếp nhận lao động. Việc đặt ra mức trần cho các chi phí này sẽ cho phép người lao động đưa ra quyết định trên cơ sở có được thông tin và giúp cung cấp thông tin về chi phí đi làm việc ở nước ngoài qua các kênh chính thống.
Luật cấm phân biệt đối xử và cưỡng bức lao động trong di cư lao động và cho phép những người lao động bị hoặc bị đe dọa ngược đãi, quấy rối tình dục hoặc cưỡng bức lao động… được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không phải chịu phạt về tài chính. Theo quy định mới, các doanh nghiệp dịch vụ có thể bị thu hồi giấy phép nếu quảng cáo gian dối hoặc dùng các thủ đoạn lừa gạt khác để tuyển dụng lao động, cưỡng bức lao động, mua bán người hoặc bóc lột.
Ngoài ra, trong các khoá đào tạo định hướng trước khi xuất cảnh, các doanh nghiệp tuyển dụng phải đưa vào những kiến thức và kỹ năng về phòng chống cưỡng bức lao động, bạo lực trên cơ sở giới và mua bán người.
Việt Nam thể hiện cam kết ngăn chặn cưỡng bức lao động
Ông Nilim Baruah, chuyên gia về di cư lao động của ILO tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho biết: “Thông qua giảm những chi phí mà người lao động có thể phải trả, luật đã mang lại sự bảo vệ tốt hơn cho người lao động khỏi những nguy cơ trở thành nạn nhân bị bóc lột lao động, cưỡng bức lao động."
"Khi người lao động lâm vào cảnh nợ nần do chi phí di cư quá cao, có thể họ sẽ hiếm khi nghỉ việc làm trong trường hợp bị lạm dụng, bóc lột hoặc lao động cưỡng bức. Việc loại bỏ phí môi giới khỏi các chi phí được phép thu từ người lao động di cư sẽ góp phần giải quyết rủi ro bị bóc lột lao động, cưỡng bức lao động," ông Nilim Baruah.
Công ước về Các cơ quan dịch vụ việc làm tư nhân của ILO năm 1997 (số 181) và Bộ các nguyên tắc chung và hướng dẫn hoạt động của ILO về tuyển dụng công bằng quy định rằng “người lao động sẽ không bị tính trực tiếp hoặc gián tiếp, toàn bộ hoặc một phần, bất kỳ khoản phí hoặc chi phí liên quan nào để đi làm việc ở nước ngoài” và “người sử dụng lao động, công hay tư nhân, hoặc người trung gian của họ, chứ không phải người lao động, sẽ phải chi trả các chi phí cho việc tuyển dụng.”
Tiến sỹ Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam cho biết: “ILO cam kết hỗ trợ quá trình xây dựng các văn bản dưới luật thông qua đối thoại xã hội, và việc thực thi luật trong năm 2021 và các năm tiếp theo.”
Ông Nilim Baruah cho rằng Việt Nam đã thể hiện cam kết của mình trong việc ngăn chặn cưỡng bức lao động đối với lĩnh vực lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, thể hiện qua việc thông qua luật sửa đổi này. Luật này là bước đi quan trọng đầu tiên trong việc hướng tới giảm phí tuyển dụng và các chi phí liên quan mà người lao động phải trả.
Ngày quốc tế người di cư năm nay cũng đánh dấu dịp kỷ niệm 30 năm Công ước quốc tế về Bảo vệ quyền của tất cả người lao động di cư và thành viên gia đình của họ. Việc thông qua Luật Người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là một bước tiến quan trọng hướng tới việc di cư lao động trở thành một trải nghiệm tích cực và nâng cao quyền năng cho tất cả người lao động Việt Nam./.