Các tổ chức cảnh báo hậu quả nghiêm trọng nếu nước Mỹ vỡ nợ

Quan chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nói thế giới đã hứng chịu nhiều cú sốc trong những năm qua và cần tránh những tác động nghiêm trọng như chi phí vay mượn tăng và bất ổn tài chính toàn cầu.
Các tổ chức cảnh báo hậu quả nghiêm trọng nếu nước Mỹ vỡ nợ ảnh 1Trụ sở Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Washington, D.C. (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày càng có nhiều lời kêu gọi nước Mỹ ngăn chặn tình trạng vỡ nợ.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 11/5 cảnh báo những hậu quả sẽ nghiêm trọng nếu nước Mỹ lâm vào tình trạng này.

Khi thời hạn chót cho việc nâng hoặc dừng áp dụng trần nợ của Mỹ đang đến gần, Giám đốc truyền thông của IMF, bà Julie Kozack, nhận định hậu quả sẽ là rất nghiêm trọng không chỉ đối với kinh tế Mỹ mà còn với toàn cầu nếu nước này vỡ nợ.

Phát biểu với báo giới, bà Kozack cảnh báo về nguy cơ chi phí vay mượn tăng, bất ổn tài chính toàn cầu và những tác động về kinh tế nếu Mỹ vỡ nợ.

Thế giới đã hứng chịu nhiều cú sốc trong những năm qua và các bên cần nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc để tránh những tác động nghiêm trọng này.

Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV ngày 11/5, Giám đốc điều hành của JPMorgan - ông Jamie Dimon cũng nhấn mạnh: “Trần nợ có thể là một thảm họa.”

Ông Dimon nhấn mạnh đến tính nghiêm trọng của vấn đề này khi hệ thống tài chính của Mỹ là nền tảng của hệ thống kinh tế toàn cầu và ông hy vọng Mỹ có thể tránh được tình trạng vỡ nợ.

Trong Quốc hội Mỹ, Đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ vẫn bất đồng gay gắt về trần nợ.

Đảng Cộng hòa cho rằng Tổng thống Joe Biden cần nhất trí cắt giảm mạnh ngân sách để nhận được sự ủng hộ cho việc nâng trần nợ trước khi Mỹ không còn khả năng thanh toán các hóa đơn.

Trong khi đó, đảng Dân chủ kêu gọi nâng trần nợ không điều kiện, cáo buộc đảng Cộng hòa gây sức ép để thúc đẩy các chương trình nghị sự của mình trước hạn chót.

[Ông Biden có thể hủy chuyến đi châu Á vì bế tắc vấn đề trần nợ]

Bất đồng trong vấn đề nâng trần nợ tại Mỹ đã diễn ra nhiều lần, liên quan đến việc huy động tiền để chi trả cho các cam kết chi tiêu mà Quốc hội thông qua.

Khi giành được đa số ghế tại Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào năm ngoái, đảng Cộng hòa đã xem việc giải quyết vấn đề nợ đang gia tăng là điều kiện để ông Kevin McCarthy nhận được sự ủng hộ khi trở thành Chủ tịch Hạ viện.

Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Biden từ chối thương lượng về trần nợ, chỉ vài tuần trước khi nước Mỹ mất khả năng thanh toán hóa đơn. Ông Biden đã gặp ông McCarthy vào đầu tuần này trong nỗ lực tìm kiếm tiếng nói chung nhưng không có kết quả.

Mỹ có thể cạn tiền để thực hiện các nghĩa vụ tài chính ngay vào ngày 1/6 tới - Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo.

Cuộc họp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy của đảng Cộng hòa dự kiến diễn ra ngày 12/5 để đưa ra giải pháp cho vấn đề trần nợ sẽ được lui lại sang tuần sau, phát ngôn viên Nhà Trắng ngày 11/5 thông báo.

Các tổ chức cảnh báo hậu quả nghiêm trọng nếu nước Mỹ vỡ nợ ảnh 2Quang cảnh Nhà Trắng tại Washington, D.C. (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chia sẻ với báo giới sau khi Nhà Trắng thông bão hoãn họp, Hạ nghị sỹ Kevin McCarthy chỉ trích: "Tổng thống Biden và Thượng nghị sỹ Schumer đang bế tắc, họ không có kế hoạch, không có khoản tiết kiệm được đề xuất."

Theo các nguồn tin, Nhà Trắng có thể phải chấp nhận một số cắt giảm chi tiêu hoặc giới hạn nghiêm ngặt đối với chi tiêu trong tương lai nếu muốn đạt được thỏa thuận.

Tổng thống Biden và đảng Dân chủ muốn thời hạn kéo dài hai năm để không ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 và để đạt được điều này, có thể họ phải chấp nhận mức cắt giảm chi tiêu lớn hơn để có thêm thời gian.

Nợ công của Mỹ, về kỹ thuật, đã chạm trần vào tháng 1/2023 với khoản nợ lên tới 31.400 tỷ USD. Bộ Tài chính Mỹ tại thời điểm đó đã phải thực hiện "các biện pháp đặc biệt" nhằm đảm bảo chính quyền liên bang có thể duy trì việc chi trả các hoạt động của chính phủ.

Trong tuyên bố mới nhất ngày 11/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hối thúc Quốc hội nước này nâng trần nợ liên bang hiện ở mức 31.400 tỷ USD, qua đó ngăn chặn nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng nợ đe dọa nền kinh tế toàn cầu cũng như làm lung lay vị thế của nền kinh tế đầu tàu thế giới.

Hôm 9/5, Tổng thống Joe Biden cho biết ông có thể hủy chuyến đi châu Á vào cuối tháng này nếu chưa giải quyết được bế tắc với đảng Cộng hòa về vấn đề trần nợ khiến nước này đối mặt với nguy cơ vỡ nợ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục