Iran hướng Đông: Sự thay đổi trật tự địa chính trị ở lục địa Á-Âu

Thỏa thuận an ninh và kinh tế Iran-Trung Qốc thể hiện một phản ứng hợp lý của giới tinh hoa chính trị Iran trước sự thay đổi trật tự địa chính trị ở lục địa Á-Âu, cụ thể là sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Iran hướng Đông: Sự thay đổi trật tự địa chính trị ở lục địa Á-Âu ảnh 1Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif và Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. (Nguồn: urdupoint.com)

Theo trang mạng moderndiplomacy.eu, Bắc Kinh và Tehran đang chuẩn bị một thỏa thuận an ninh và kinh tế lớn chưa từng thấy với thời hạn 25 năm, theo đó Trung Quốc sẽ đầu tư tới 400 tỷ USD vào Iran.

Thỏa thuận được đề xuất này đã được bàn thảo trong một thời gian dài, và điều đáng chú ý là bối cảnh địa chính trị và lịch sử đã thúc đẩy hai nước xích lại gần nhau.

Khi tài liệu dự thảo thỏa thuận bị rò rỉ, nhiều nhà phân tích đã nhận định rằng Trung Quốc và Iran đang xích lại gần nhau do sức ép của Mỹ gia tăng. Đây là một giả thiết có thể hiểu được, nhưng còn nhiều điều hơn thế nữa.

Việc Iran quay sang Trung Quốc không có gì đáng ngạc nhiên; điều đó đã được chuẩn bị trong nhiều năm. Thỏa thuận thể hiện một phản ứng hợp lý của giới tinh hoa chính trị Iran trước sự thay đổi trật tự địa chính trị ở lục địa Á-Âu, cụ thể là sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Giống như hầu hết các quốc gia trên thế giới, Iran quan tâm đến việc hợp tác với cường quốc Á-Âu mới nổi. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Iran dưới thời chính quyền Mahmoud Ahmadinejad, người khởi xướng chương trình “Hướng Đông” của nước Cộng hòa Hồi giáo.

Iran đang có cơ hội khi trung tâm tiêu thụ năng lượng toàn cầu đang dịch chuyển từ Đại Tây Dương sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Từ năm 2017 đến năm 2040, nhu cầu dầu mỏ và khí đốt được dự báo sẽ tăng đáng kể và Iran hoàn toàn muốn có thị phần trong đó. Việc Tehran chuyển hướng sang phía Đông cũng do thiếu các lựa chọn.

Các mối quan hệ của chế độ với Nga thường được mô tả là gần gũi, nhưng sự không tin tưởng lẫn nhau giữa họ trong một số sân khấu địa chính trị ngăn cản Tehran “hướng Bắc” để tìm kiếm một lựa chọn thay thế Nga ở Á-Âu.

[Iran và Trung Quốc bắt đầu thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược]

Phương Tây cũng không phải là một lựa chọn khi sức ép từ Mỹ tiếp tục gia tăng. Điều đó khiến Trung Quốc trở thành giải pháp thay thế khả thi duy nhất để giảm bớt tình hình kinh tế khó khăn của Iran.

Tuy nhiên, thỏa thuận được đề xuất không chỉ do trật tự địa chính trị đang phát triển ở lục địa Á-Âu. Trong lịch sử, Trung Quốc và Iran có nhiều điểm chung; cả hai đều là những nền văn minh có niên đại hàng thiên niên kỷ không bị ngắt quãng, có trước khái niệm hệ thống Westphalia của phương Tây về quan hệ nhà nước và thực sự hoàn toàn đối lập với khái niệm đó.

Ý thức sâu sắc về lịch sử ở cả Trung Quốc và Iran khiến giới tinh hoa chính trị của hai nước đặc biệt nhạy cảm với sự hiện diện kinh tế hoặc quân sự của phương Tây xung quanh hoặc bên trong đất nước họ.

Cả hai đều căm ghét chủ nghĩa thực dân phương Tây và trong nhiều thập kỷ đã cố gắng vô hiệu hóa những dấu tích cuối cùng của thời kỳ thực dân.

Tuy nhiên, sự ngờ vực giữa Trung Quốc và Iran đối với phương Tây (bao gồm cả Nga) cũng được thúc đẩy bởi vị trí địa lý tương tự của các quốc gia. Iran và Trung Quốc đều bị cô lập với thế giới bên ngoài một cách rõ nét.

Sa mạc, đồi núi, thảo nguyên và biển bao quanh các khu vực trung tâm đông dân cư của Iran và Trung Quốc. Về mặt lịch sử, điều này đã giúp hai được bảo vệ tốt hơn trước những kẻ xâm lược, nhưng nó cũng tạo ra nỗi sợ hãi về sự bao vây của nước ngoài, điều đã ăn sâu vào tâm lý của giới tinh hoa chính trị của cả hai nước. Mối lo ngại chung này khiến 2 quốc gia xích lại gần nhau hơn khi áp lực của phương Tây gia tăng.

Cả Trung Quốc và Iran cũng tìm thấy điểm chung về sự kết nối trên vùng đất Á-Âu và coi mình là trung tâm của bất kỳ dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn hoặc các tuyến đường thương mại trải dài khắp lục địa.

Vị trí trung tâm trên Con đường Tơ lụa cổ đại hay hiện đại là nền tảng cơ bản trong nhận thức về địa chính trị của Trung Quốc và Iran. Không ngạc nhiên khi một điều khoản quan trọng trong thỏa thuận được đề xuất giúp Iran hội nhập sâu hơn vào Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc.

Điều này cũng giải thích cho quan điểm của Iran về BRI là một sáng kiến địa kinh tế hơn là một sáng kiến của chủ nghĩa đế quốc. Quan điểm này trái ngược với quan điểm của phương Tây, vốn thường gọi BRI là một dự án “chủ nghĩa thực dân mới.”

Ngoài nhận thức chung giữa hai nước về Con đường Tơ lụa, có rất nhiều điều vốn gắn liền với những ý tưởng lịch sử và tư tưởng của Ba Tư và Trung Quốc để kéo hai quốc gia xích lại gần nhau.

Tehran và Bắc Kinh đều ủng hộ khái niệm về một thế giới đa cực, tìm kiếm các giới hạn đối với quyền lực của Mỹ và cố gắng theo đuổi các chính sách đối ngoại độc lập. Vì vậy, những gì Iran và Trung Quốc đang cố gắng đạt được - trong khi được thúc đẩy ở một mức độ nào đó bởi những phát triển địa chính trị tức thời - phản ánh những động cơ văn minh và ý thức hệ lâu dài.

Thậm chí có thể lập luận rằng thỏa thuận Iran-Trung Quốc phù hợp với chiến lược lịch sử của nước này là phòng ngừa rủi ro trước các đối thủ địa chính trị lớn hơn.

Ngày nay, đối thủ đó là Mỹ; nhưng vào thế kỷ XVI đó là Đế chế Ottoman. Vào đầu thế kỷ XIX, Đế quốc Ba Tư liên minh với nước Pháp của Napoléon có vẻ như để chống lại Đế quốc Anh, nhưng trên thực tế động thái này nhằm chống lại người Nga và những lợi ích của họ ở Nam Caucasus - vùng đất theo truyền thống được người Ba Tư coi là một phần lãnh thổ của Đế quốc Ba Tư.

Trong thập kỷ 20 của thế kỷ XIX, Đế quốc Ba Tư đã bắt tay với London để ngăn chặn sự tấn công dữ dội của Nga. Mô hình phòng ngừa rủi ro này tiếp tục kéo dài sang thế kỷ XX, khi Liên Xô hùng mạnh đưa Iran xích lại gần Mỹ.

Vì vậy, chơi “quân bài Trung Quốc” là một phương pháp ngoại giao truyền thống của Iran bắt nguồn từ lịch sử và nhận thức của nước này về sự thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực hoặc toàn cầu.

Thỏa thuận được đề xuất giữa Iran và Trung Quốc là rất lớn và có thể ảnh hưởng nhất định đến cán cân quyền lực trong khu vực cũng như sự mở rộng kinh tế của Trung Quốc ở Trung Đông và vùng Vịnh.

Tuy nhiên, giả thiết rộng rãi cho rằng thỏa thuận sẽ được thực hiện đầy đủ vẫn còn gây tranh cãi. Trái ngược với những gì nhiều người tranh luận, quan hệ kinh tế trong quá khứ giữa Trung Quốc và Iran không mấy tích cực.

Người Iran vẫn còn nhớ cách các công ty Trung Quốc cố gắng khai thác tình trạng thiếu các giải pháp thay thế kinh tế bằng cách yêu cầu các điều khoản thương mại khắt khe hơn, chi phí cao và mang lại ít lợi ích kinh tế cho lực lượng lao động và ngân sách địa phương.

Năm 2012, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã ngừng các hoạt động ở mỏ khí đốt tự nhiên South Pars khi Iran quyết định hủy hợp đồng với công ty. CNPC sau đó được thay thế bằng Petropars. Năm 2014, một hợp đồng khác của CNPC - mỏ dầu Azadegan - đã bị hủy bỏ và khó khăn tiếp tục kéo dài trong những năm sau đó.

Hơn nữa, vẫn chưa rõ mức độ hiệu quả của thỏa thuận này trong bối cảnh các lệnh trừng phạt hiện nay của Mỹ. Trung Quốc đã do dự trong việc làm suy yếu lập trường quốc tế của họ đối với các lệnh trừng phạt chống Iran. Tương tự, điều này cũng xảy ra trong quan hệ của Trung Quốc với nước Nga bị áp đặt trừng phạt.

Người Iran cũng mất lòng tin vào các cường quốc lớn hơn. Nếu tất cả các điều mục trong thỏa thuận đề xuất được thực hiện, giới tinh hoa chính trị Iran có nguy cơ phải nhượng bộ một phần chủ quyền quốc gia cho Trung Quốc.

Điều đó gần như đi ngược lại hoàn toàn các nguyên tắc của Cách mạng Hồi giáo năm 1979 và khiến khả năng thành công của hiệp định này trở nên đáng nghi ngờ.

Iran đang bước vào một thời điểm khó khăn trong lịch sử. Tình hình địa chính trị khu vực và rộng hơn là Á-Âu đang thúc đẩy nước này hướng tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và cụ thể là Trung Quốc.

Tuy nhiên, sự can dự của Tehran với Bắc Kinh đầy cạm bẫy. Kinh nghiệm trong quá khứ không mấy tích cực và người Iran rất nhạy cảm với sức ép từ bên ngoài - cho dù đó là từ người Mỹ hay từ các công ty châu Á đang tìm cách khai thác vị thế đàm phán yếu của Tehran.

Điều này chắc chắn sẽ gây ra căng thẳng chính trị nội bộ. Trên thực tế, nhiều người trong giới tinh hoa chính trị Iran đã chỉ trích thỏa thuận Iran-Trung Quốc. Điều này có nghĩa là mặc dù có quy mô và tham vọng khổng lồ, thỏa thuận vẫn chưa được đảm bảo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục