Iran tuyên bố ngừng giao dịch bằng USD và euro

Phó Tổng thống Rahimi, ngày 10/8 tuyên bố, Iran quyết định ngừng mọi hoạt động thương mại và xuất khẩu dầu mỏ bằng đồng USD và euro.
Phó Tổng thống Thứ nhất của Iran, ông Mohammad Reza Rahimi, ngày 10/8 tuyên bố nước này quyết định ngừng mọi hoạt động thương mại và xuất khẩu dầu mỏ bằng đồng USD và euro, để trả đũa các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran.

Phát biểu tại một cuộc gặp các quan chức ngành giáo dục, ông Rahimi nêu rõ Tehran "sẽ xóa USD và euro khỏi danh mục các đồng ngoại tệ của Iran, đồng thời thay thế chúng bằng đồng nội tệ rial và tất cả các đồng tiền của những quốc gia chấp nhận hợp tác với Tehran".

Tuy nhiên, Phó Tổng thống Rahimi không cho biết khi nào quyết định trên bắt đầu có hiệu lực hay Iran sẽ thực thi quyết định đó như thế nào với tư cách là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), trong bối cảnh thị trường dầu mỏ thế giới hiện nay đang bị đồng USD chi phối.

Theo ông Rahimi, Tehran cũng sẽ hạn chế nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU), vốn có kim ngạch 11,4 tỷ euro (chiếm 27% khối lượng nhập khẩu của Iran) trong năm 2009.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trước đó đã áp đặt gói biện pháp trừng phạt thứ tư đối với Iran, do Tehran từ chối dừng làm giàu urani.

Ngay sau đó, Mỹ, EU, Canada và Australia cũng đã đồng loạt gia tăng trừng phạt với nước Cộng hòa Hồi giáo này vì các hoạt động hạt nhân nhạy cảm, trong đó chủ yếu nhằm vào kinh tế, hệ thống ngân hàng và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt.

Trong một diễn biến liên quan, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast ngày 10/8 tuyên bố, Tehran sẵn sàng đàm phán với Nhóm Viên - gồm Mỹ, Pháp, Nga và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) về vấn đề trao đổi nhiên liệu hạt nhân.

Theo ông Mehmanparast, các cuộc đàm phán phải dựa trên cơ sở Tuyên bố Tehran, được ký giữa Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil hôm 17/5 vừa qua.

Theo bản Tuyên bố, Iran nhất trí chuyển hầu hết số urani làm giàu cấp độ thấp sang Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy nhiên liệu hạt nhân làm giàu cấp độ 20%. Số urani này sẽ được bảo quản tại Thổ Nhĩ Kỳ, do Iran cùng IAEA giám sát và quản lý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục