Iran và các nước bắt đầu vòng đàm phán thứ 6 về khôi phục JCPOA

Vòng đàm phán thứ 6 bắt đầu với cuộc họp của Iran, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh, Đức và EU tại tầng hầm một khách sạn sang trọng, trong khi Mỹ tham dự theo hình thức gián tiếp từ một khách sạn gần đó.
Thứ trưởng Ngoại giao đồng thời là Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran, ông Abbas Araqchi (phải), tại cuộc đàm phán của Ủy ban chung giám sát JCPOA ở Vienna, Áo. (Ảnh: IRNA/TTXVN)
Thứ trưởng Ngoại giao đồng thời là Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran, ông Abbas Araqchi (phải), tại cuộc đàm phán của Ủy ban chung giám sát JCPOA ở Vienna, Áo. (Ảnh: IRNA/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, ngày 12/6, Iran và các cường quốc thế giới đã nối lại vòng đàm phán thứ 6 tại thủ đô Vienna của Áo về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, được gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), sau khi Đức kêu gọi cần phải đẩy nhanh tiến độ đàm phán.

Vòng đàm phán thứ 6 bắt đầu với cuộc họp của các bên còn lại trong thỏa thuận, bao gồm Iran, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh, Đức và Liên minh châu Âu (EU) tại tầng hầm của một khách sạn sang trọng.

Phái đoàn Mỹ phải tham dự các cuộc đàm phán theo hình thức gián tiếp từ một khách sạn gần đó khi Iran từ chối các cuộc gặp trực tiếp.

Đặc phái viên của EU phụ trách điều phối các cuộc thảo luận khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran - ông Enrique Mora bày tỏ mong đợi đạt được một thỏa thuận trong vòng đàm phán này.

[Nga: Không còn trở ngại lớn trong đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran]

Tuy nhiên, các phái viên khác lại đánh giá thận trọng hơn, cho rằng nhiều vấn đề khó khăn vẫn chưa được giải quyết.

Trả lời báo giới, một phát ngôn viên của EU nhận định mặc dù đạt được tiến triển, nhưng các cuộc đàm phán đang diễn ra căng thẳng và giữa các bên vẫn tồn tại một số vấn đề, bao gồm cả cách thực hiện các bước đi.

Mục đích của các cuộc đàm phán là tìm cách tiến gần hơn đến thỏa thuận cuối cùng trong những ngày tới.

Đại sứ Trung Quốc tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Vương Quân cho biết điểm mấu chốt chính là các lệnh trừng phạt của Mỹ và Washington nên dứt khoát tiến tới dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran.

Về các bước mà Iran phải thực hiện để trở lại tuân thủ thỏa thuận, ông Vương Quân nhận định các vấn đề chính đã được giải quyết như một vấn đề nguyên tắc, mặc dù có một số điều cần phải sửa đổi.

Cựu Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi JCPOA vào năm 2018, với lập luận rằng thỏa thuận này đã giảm bớt cho Iran quá nhiều lệnh trừng phạt, trong khi Tehran thực hiện không đầy đủ những cam kết hạn chế về hạt nhân.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden lại muốn khôi phục những giới hạn hạt nhân trong thỏa thuận với Iran và nếu có thể thì mở rộng hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục