Iraq: Biểu tình phản đối hành vi đốt kinh Koran tại Đan Mạch

Lực lượng an ninh đã giải tán người biểu tình chặn cầu Jumhuriya dẫn đến Vùng Xanh, ngăn họ đi đến Đại sứ quán Đan Mạch, sau khi một nhóm cực hữu ở Đan Mạch đăng tải video đốt kinh Koran.
Iraq: Biểu tình phản đối hành vi đốt kinh Koran tại Đan Mạch ảnh 1Người dân Iraq biểu tình phản đối hành động đốt Kinh Koran ở thủ đô Baghdad, ngày 30/6/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 22/7, hàng trăm người biểu tình ở Iraq tìm cách xông vào Vùng Xanh được bảo vệ nghiêm ngặt ở thủ đô Baghdad, nơi đặt trụ sở của các cơ quan chính phủ cùng nhiều đại sứ quán nước ngoài, sau khi một nhóm cực hữu ở Đan Mạch đăng tải video đốt kinh Koran trước cửa Đại sứ quán Iraq ở thủ đô Copenhagen.

Lực lượng an ninh đã giải tán người biểu tình chặn cầu Jumhuriya dẫn đến Vùng Xanh, ngăn họ đi đến Đại sứ quán Đan Mạch.

Trong khi đó, tại trung tâm thủ đô Baghdad, người biểu tình tụ tập tại Quảng trường Tahrir.

Trước đó một ngày, nhóm cực hữu Danske Patrioter đăng video ghi hình một người đàn ông đang đốt một cuốn sách dường như là cuốn kinh Koran và giẫm lên quốc kỳ Iraq trước Đại sứ quán Iraq ở thủ đô Copenhagen.   

Trong một tuyên bố, Phó cảnh sát trưởng Copenhagen, bà Trine Fisker cho biết chỉ một số ít người biểu tình tập trung phía trước Đại sứ quán Iraq trong ngày 21/6 và khu vực này "khá yên bình".

Bà xác nhận "đã có một cuốn sách bị đốt, song hiện chưa rõ là sách gì."

Bộ Ngoại giao Iraq ngày 22/7 đã lên án hành vi "báng bổ kinh Koran và quốc kỳ Iraq trước cửa Đại sứ quán Iraq ở Đan Mạch."

[Iraq cam kết đảm bảo an toàn cho các phái bộ ngoại giao tại Baghdad]

Ngày 20/7 vừa qua, tại Baghadad, hàng trăm người biểu tình đã xông vào Đại sứ quán Thụy Điển để phản đối hành vi đốt kinh Koran ở Stockholm.

Vài tuần trước đó, Salwan Momika - một người tị nạn Iraq sống tại Thụy Điển, đã đốt kinh Koran trước đền thờ Hồi giáo lớn nhất ở thủ đô Stockholm hôm 28/6, ngày đầu tiên trong kỳ lễ Eid al-Adha của người Hồi giáo.

Chính phủ của một số quốc gia Hồi giáo, trong đó có Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Jordan và Maroc đã phản đối vụ việc trên.

Hai cuộc biểu tình lớn đã diễn ra bên ngoài Đại sứ quán Thụy Điển ở Baghdad sau vụ đốt kinh Koran này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục