Iraq đề nghị Đức đẩy mạnh hỗ trợ nước này trong chống IS

Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi ngày 7/12 đề nghị Đức đẩy mạnh hỗ trợ nước này trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Iraq đề nghị Đức đẩy mạnh hỗ trợ nước này trong chống IS ảnh 1Thành viên nhóm IS. (Nguồn: AFP)

Các nguồn tin báo chí cho biết, phát biểu sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đang ở thăm Baghdad, Thủ tướng al-Abadi khẳng định chủ nghĩa khủng bố không chỉ là mối đe dọa đối với Iraq mà với cả châu Âu cũng như thế giới, đồng thời kêu gọi Berlin hỗ trợ huấn luyện binh sỹ và cung cấp vũ khí cho Iraq trong cuộc chiến chống IS.

Cho tới nay, Đức mới chỉ hỗ trợ quân sự cho lực lượng vũ trang người Kurd tại Iraq để chống IS, theo đó Berlin giúp huấn luyện quân sự cho các tay súng người Kurd và cung cấp tên lửa chống tăng Milan, súng trường, đạn dược và xe thiết giáp cho lực lượng này.

Ngoại trưởng Steinmeier đánh giá cao những kết quả đạt được tới nay ở Iraq trong cuộc chiến chống IS như việc giành lại nhiều thành phố bị tổ chức khủng bố này chiếm đóng, khẳng định Berlin sẽ luôn sát cánh cùng Iraq và cộng đồng quốc tế tiêu diệt IS. Ông cũng thông báo kế hoạch hỗ trợ xây dựng 5 bệnh viện dã chiến tại các khu vực được giải phóng khỏi IS, song chưa trả lời cụ thể đề nghị nêu trên của Chính phủ Iraq.

Ngoại trưởng Đức cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của nỗ lực hướng tới ổn định Iraq cũng như tiến trình tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng hiện nay ở Syria. Theo số liệu của Liên hợp quốc, ước tính tới nay cuộc xung đột ở Iraq đã khiến 3,2 triệu người dân nước này phải rời bỏ nhà cửa, trong khi khoảng 250.000 người Syria phải chạy tới Iraq lánh nạn do nội chiến.

Liên quan cuộc chiến chống IS, Bộ trưởng Ngoại giao CH Cyprus Ioannis Kasoulides ngày 7/12 cho biết nước này đang thảo luận với Nga về việc hỗ trợ Moskva thực hiện những mục đích nhân đạo và trong những trường hợp khẩn cấp liên quan đến chống IS.

Đại sứ quán Nga tại Nicosia cũng ra thông báo xác nhận Moskva đã đề nghị CH Cyprus tạo điều kiện cho Nga được sử dụng các cảng và sân bay của nước này trong những trường hợp khẩn cấp lên quan tới chiến dịch chống IS tại Syria - tương tự những điều kiện mà Nicosia đã dành cho Pháp và Đức. Thông báo nhấn mạnh Nga sẽ không sử dụng các cơ sở của Cyprus cho những lý do quân sự.

Ông Kasoulides tuyên bố các điều kiện theo thỏa thuận giữa hai bên không bao gồm việc Nga sử dụng các cảng và sân bay của Cyprus để tiến hành các cuộc tấn công IS, đồng thời nêu rõ hai bên hiện đang thảo luận để đi đến ký kết một thỏa thuận cho phép Nga sử dụng các cơ sở của Cyprus để sơ tán công dân Nga khỏi khu vực bất ổn Trung Đông và trong những trường hợp khẩn cấp khác theo quy định của luật pháp quốc tế.

Ông Kasoulides cho biết, hiện Pháp cũng đề nghị Cyprus cho phép các máy bay Pháp tham chiến chống IS được hạ cánh xuống sân bay nước này trong trường hợp khẩn cấp.

Trong một diễn biến khác, các nhà ngoại giao của Liên hợp quốc cùng ngày cho biết Nga đã yêu cầu Hội đồng Bảo An Liên hợp quốc tiến hành các cuộc thảo luận kín về hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria và Iraq.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Moskva và Ankara căng thẳng sau vụ máy bay chiến đấu F16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay ném bom Su-24 của Nga đang tham gia chống IS tại biên giới Syria hôm 24/11.

Phát biểu với hãng tin Reuter của Anh, một nhà ngoại giao thuộc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc xác nhận Nga đã đưa ra yêu cầu trên, song không cung cấp thông tin chi tiết. Phái bộ của Nga tại Liên hợp quốc chưa đưa ra bình luận gì, song một số quan chức ngoại giao dự đoán vụ máy bay Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga sẽ được đưa ra thảo luận.

Cho đến nay Thổ Nhĩ Kỳ vẫn từ chối đưa ra lời xin lỗi về vụ việc này, trong khi Nga đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục