Iraq kết án tử hình

Iraq kết án tử hình Phó Tổng thống bỏ trốn Hashemi

Một tòa án hình sự Iraq đã kết án tử hình vắng mặt Phó Tổng thống đang bỏ trốn Tareq al-Hashemi - một người Hồi giáo dòng Sunni.
Một tòa án hình sự Iraq ngày 9/9 đã kết án tử hình vắng mặt Phó Tổng thống đang bỏ trốn của nước này, ông Tareq al-Hashemi, một người Hồi giáo dòng Sunni, do phạm các tội điều hành các nhóm sát thủ chống lại lực lượng an ninh, sát hại một luật sư và một chuẩn tướng.

Thư ký và là con rể của ông al-Hashemi là Ahmed Qahtan cũng bị kết án tử hình. Phiên tòa trên, bắt đầu hồi tháng Năm, đã xem xét cáo trạng đầu tiên trong số 150 cáo buộc nhằm vào Phó Tổng thống Tareq al-Hashemi và các vệ sĩ của ông này.

Tuy nhiên, ông Tareq al-Hashemi phủ nhận mọi cáo buộc, đồng thời cho rằng chúng là một phần của vụ trả thù chính trị đối với ông.

Trước đó, một tuyên bố đăng trên trang web của ông Tareq al-Hashemi hôm 10/8 cho biết ông đang ở Doha, Qatar. Ông Tareq al-Hashemi đã trốn tới khu tự trị người Kurd ở Iraq khi bị cáo buộc các tội danh trên hồi tháng 12 năm ngoái, trong bối cảnh các binh sỹ Mỹ rút khỏi nước này.

Trong một diễn biến khác, ít nhất 58 người đã thiệt mạng trong hàng loạt vụ bạo lực xảy ra trên khắp Iraq ngày 9/9, bao gồm cả vụ đánh bom xe ngay bên ngoài Lãnh sự quán Pháp.

[Hơn 50 người chết trong một loạt vụ tấn công ở Iraq]

Vụ đánh bom nghiêm trọng nhất ngày 9/9 xảy ra gần thành phố Amara, cách thủ đô Baghdad 300km về phía Nam, khi hai chiếc xe bom phát nổ ngay bên ngoài một thánh đường của người Shiite và một khu chợ, làm ít nhất 16 người thiệt mạng.

Trong khi đó, chiếc xe bom phát nổ bên ngoài Lãnh sự Pháp tại thành phố vốn yên bình Nassiriya, cách Baghdad 300km về phía Nam, làm một cảnh sát bảo vệ thiệt mạng và bốn người bị thương.

Các vụ đánh bom gây thương vong khác cũng xảy ra tại nhiều địa phương của Iraq như Dujail, Kirkuk, Baquba, Samarra, Basra và Tuz Khurmato.

Tình trạng xung đột tại Iraq đã dịu bớt kể từ thời kỳ cao điểm vào những năm 2006-2007 khi các vụ xung đột sắc tộc cướp đi sinh mạng hàng nghìn người. Tuy nhiên, các nhóm Hồi giáo cực đoan cùng lực lượng khủng bố Al-Qaeda vẫn tiến hành trung bình mỗi tháng một vụ tấn công lớn nhằm kích động căng thẳng giữa hai cộng đồng Hồi giáo dòng Sunnu và dòng Shiite sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Iraq tháng 12/2011./.
 
(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục