Israel thông qua nguyên tắc thỏa thuận phân định biên giới với Liban

Các thành viên nội các Israel đã ủng hộ tầm quan trọng và sự cần thiết của thỏa thuận phân định biên giới biển với Liban vào thời điểm hiện nay.
Israel thông qua nguyên tắc thỏa thuận phân định biên giới với Liban ảnh 1Tàu hải quân Israel tuần tra tại vùng biển trên Địa Trung Hải, gần khu vực hải giới với Liban, ngày 3/10/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại Tel Aviv đưa tin Nội các Israel ngày 12/10 đã bỏ phiếu thông qua các nguyên tắc của thỏa thuận phân định biên giới biển với Liban.

Thủ tướng Yair Lapid đã đề nghị chuyển thỏa thuận này tới Quốc hội Israel để xem xét.

Theo thông báo từ Văn phòng Báo chí Chính phủ Israel, các thành viên nội các đã ủng hộ tầm quan trọng và sự cần thiết của thỏa thuận phân định biên giới biển với Liban vào thời điểm hiện nay.

[Khả năng xảy ra cuộc chiến khí đốt Địa Trung Hải giữa Liban và Israel]

Trong cuộc họp của Chính phủ Israel, các cơ quan chuyên môn đã trình bày những nguyên tắc của thỏa thuận và hiệu quả củng cố an ninh quốc gia, cũng như ổn định khu vực.

Thỏa thuận và các văn bản giải trình đã được gửi ngay trong ngày 12/10 tới Quốc hội Israel và được cơ quan lập pháp này chính thức bắt đầu nghiên cứu, thảo luận.

Quốc hội Israel không bỏ phiếu về thỏa thuận, mà thay vào đó sẽ chuyển lại văn kiện sau 14 ngày để Chính phủ xem xét thông qua.

Trước đó, Thủ tướng Lapid hôm 11/10, thông báo Israel và Liban đã đạt được thỏa thuận lịch sử về phân định ranh giới trên biển.

Ông nhấn mạnh đây là dấu mốc lịch sử, góp phần tăng cường an ninh của Israel, đóng góp hàng tỷ USD vào nền kinh tế đất nước và đảm bảo ổn định khu vực biên giới phía Nam nước này.

Liban và Israel không có quan hệ ngoại giao, hoạt động tuần tra khu vực biên giới giữa hai bên hiện do lực lượng của Liên hợp quốc đảm nhiệm.

Biên giới hàng hải phía Bắc mà Israel tuyên bố chủ quyền chồng lên biên giới phía Nam của Liban, gây ra tranh chấp giữa hai nước.

Năm 2020, Israel và Liban đã nối lại tiến trình đàm phán với vai trò trung gian của Mỹ và Liên hợp quốc, song những cuộc đàm phán gặp bế tắc liên quan đến vùng biển giàu tài nguyên nằm trong khu vực tranh chấp, trong đó có mỏ khí đốt Karish mà Israel tuyên bố quyền khai thác.

Phía Liban luôn nhấn mạnh mục tiêu của những cuộc đàm phán là bảo vệ các quyền lợi của nước này.

Trong khi đó, Israel cũng có những nhượng bộ để thúc đẩy đàm phán.

Israel đồng ý cho phép Liban phát triển mỏ trong khu vực tranh chấp, trong khi vẫn bảo toàn lợi ích kinh tế của Israel./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục