Chính phủ Italy đang thực hiện các biện pháp khẩn cấp nhằm đối phó với tình trạng thiếu khí đốt nghiêm trọng giữa lúc thời tiết giá lạnh vẫn tiếp diễn ở nước này cũng như phần lớn các nước châu Âu khác.
Italy, giống như nhiều nước châu Âu khác, lâu nay đang nhập khẩu khí đốt từ Nga, nhưng hiện lượng khí đốt nhập khẩu bị giảm sút của nước này không đủ để đáp ứng nhu cầu đang tăng cao ở mức kỷ lục.
Bộ trưởng Công nghiệp Italy Corrado Passera thừa nhận rằng tình hình hiện nay rất nghiêm trọng do các nguồn cung khí đốt từ Nga và Pháp bị sụt giảm.
Theo kế hoạch khẩn cấp của chính phủ, được đưa ra ngày 6/2, một số nhà máy điện ở Italy đã được lệnh phải chuyển sang sử dụng dầu mỏ thay cho khí đốt để sản xuất điện.
Một số khách hàng trong ngành công nghiệp sẽ bị cắt nguồn cung khí đốt để ưu tiên cho các hộ gia đình, vốn đang rất cần loại nhiên liệu này để sưởi ấm.
Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn năng lượng ENI của Italy, ông Paolo Scaroni cho biết trước tình trạng cực kỳ khẩn cấp này, ENI đang gia tăng việc nhập khẩu khí đốt từ Algeria và Bắc Âu (thông qua Thụy Sĩ) nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước.
Tuy nhiên, ENI cũng chỉ đảm bảo cung cấp đủ khí đốt cho đến ngày 8/2, và sau đó một số công ty sẽ bị cắt nguồn cung khí đốt bắt đầu từ ngày 9/2. Italy lâu nay phải nhập khẩu khí đốt để đáp ứng tới 90% nhu cầu tiêu thụ ở trong nước, trong đó 30% là nhập khẩu từ Nga.
Các số liệu mới nhất cho thấy đợt giá rét kỷ lục ở Italy trong những ngày qua đã khiến ít nhất trên 20 người thiệt mạng. Nhiệt độ đã giảm xuống các mức thấp nhất trong nhiều năm qua với mức nhiệt độ thấp kỷ lục - 10 độ C được ghi nhận ở Milan, trung tâm kinh tế, tài chính và thời trang của đất nước.
Tình trạng tuyết rơi dày ở Rome cũng khiến các điểm du lịch, bảo tàng, công sở, trường học phải đóng cửa. Tình trạng đóng băng đã diễn ra trên các con kênh ở thành phố du lịch nổi tiếng Venice.
Đợt giá rét này, dự kiến còn kéo dài, đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động sinh hoạt, đời sống của người dân Italy./.