Italy nêu điều kiện để tiếp nhận thêm người Tunisia di cư hợp pháp

Ông cho biết Italy sẵn sàng tiếp nhận thêm người di cư hợp pháp từ Tunisia, đặc biệt là những lao động được đào tạo tại quốc gia này và có thể làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp.
Italy nêu điều kiện để tiếp nhận thêm người Tunisia di cư hợp pháp ảnh 1Tổng thống Tunisia Kais Saied (trái) tiếp Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani. (Nguồn: Xinhua)

Ngày 18/1, Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani cho biết nước này sẽ tăng tiếp nhận người Tunisia di cư hợp pháp với điều kiện quốc gia Bắc Phi tăng cường nỗ lực ngăn chặn làn sóng người di cư trái phép.

Phát biểu trong chuyến thăm đầu tiên đến Tunisia kể từ khi chính phủ mới ở Italy nhậm chức hồi tháng 10/2022, Ngoại trưởng Tajani khẳng định Rome muốn hợp tác với Tunis nhằm "giảm tình trạng nhập cư trái phép và thúc đẩy việc nhập cư hợp pháp," đồng thời cam kết nỗ lực ngăn chặn dòng người di cư qua Địa Trung Hải.

Ông cho biết Italy sẵn sàng tiếp nhận thêm người di cư hợp pháp từ Tunisia, đặc biệt là những lao động được đào tạo tại quốc gia này và có thể làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp.

Cũng theo Ngoại trưởng Tajani, tình trạng nhập cư bất hợp pháp là thách thức đối với cả Italy cũng như Tunisia, và hai quốc gia đều mong muốn tìm kiếm "giải pháp phù hợp."

[Italy cho phép tàu Ocean Viking chở 113 người di cư cập cảng]

Ông nhấn mạnh giới chức hai nước cần phối hợp để có thể giải quyết vấn đề này, đồng thời kêu gọi gia tăng đầu tư vào lục địa châu Phi.

Ông cũng thông báo về một diễn đàn kinh doanh sắp được tổ chức nhằm “tăng cường sự hiện diện của các doanh nghiệp của Italy ở Tunisia.”

Trong chuyến thăm Tunisia lần này, Ngoại trưởng Italy Tajani và Bộ trưởng Nội vụ Matteo Piantedosi cũng có cuộc gặp với những người đồng cấp Tunisia Othman Jerandi và Taoufik Charfeddine.

Tunisia được coi là cửa ngõ quen thuộc trong hành trình di cư trái phép của nhiều người từ khu vực châu Phi Nam Sahara tìm cách vượt Địa Trung Hải đến các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Bờ biển Tunisia cách đảo Lampedusa của Italy chưa đầy 150km, là điểm khởi hành của nhiều người di cư từ châu Phi-Trung Đông.

Tuy nhiên, tuyến đường biển trung tâm của Địa Trung Hải nối bờ biển các nước Bắc Phi với Italy là con đường di cư nguy hiểm nhất thế giới, với hàng chục nghìn người thiệt mạng và mất tích.

Tình trạng khủng hoảng kinh tế trầm trọng tại Tunisia cũng là một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy làn sóng di cư.

Chính phủ Italy cho biết trong năm 2022, quốc gia này ghi nhận hơn 32.000 trường hợp di cư trái phép, trong đó có 18.000 người mang quốc tịch Tunisia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục