Kết nối giao thương các doanh nghiệp của khu vực Tây Bắc

Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhấn mạnh khu vực Tây Bắc được xem là vùng kinh tế có ý nghĩa chiến lược của Việt Nam nói chung và miền Bắc nói riêng.
Kết nối giao thương các doanh nghiệp của khu vực Tây Bắc ảnh 1Đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm của các tỉnh Tây Bắc. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

Ngày 21/10, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh Tây Bắc tổ chức Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực Tây Bắc với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại năm 2022."

Khu vực Tây Bắc gồm 6 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái với tổng diện tích tự nhiên hơn 50.500km2, chiếm 15,25 diện tích tự nhiên của cả nước; tổng dân số hơn 4,8 triệu người. Các tỉnh Tây Bắc thuộc vùng cao miền núi, có đường biên trải dài phía Bắc của Việt Nam, tiếp giáp với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc và Lào.

Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhấn mạnh khu vực Tây Bắc được xem là vùng kinh tế có ý nghĩa chiến lược của Việt Nam nói chung và miền Bắc nói riêng. Đây là cầu nối quan trọng, gắn kết các vùng kinh tế trọng điểm của miền Bắc Việt Nam với các nước có chung biên giới là Lào và Trung Quốc. Bởi vậy, Tây Bắc là khu vực có nhiều lợi thế quan trọng trong việc kết nối, mở rộng giao lưu, phát triển kinh tế.

Để góp phần phát huy lợi thế của vùng kinh tế Tây Bắc, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành với các địa phương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ phát triển thị trường ở trong nước và quốc tế cho các sản phẩm thế mạnh của địa phương, của vùng như nông sản, dược liệu, thực phẩm chế biến, các sản phẩm công nghiệp, hóa chất…

Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan, mở rộng cả kênh phân phối truyền thống và hiện đại, tích cực củng cố và phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thông qua các hình thức xúc tiến thương mại.

[‘Nữ hoàng quả khô" macca hút khách ở festival trái cây vùng Tây Bắc] 

Chín tháng năm 2022, hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu các tỉnh Tây Bắc đã đạt nhiều kết quả tích cực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của vùng cũng như khu vực phía Bắc và cả nước. Các chương trình xúc tiến thương mại được tổ chức thành công, mang lại nhiều lợi ích, cơ hội và các nguồn thông tin đáng tin cậy cho các tổ chức, doanh nghiệp, tạo cơ hội cho phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, quảng bá, giới thiệu nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm có ưu thế vùng miền có cơ hội tiếp cận đến thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó, quản lý Nhà nước về xuất khẩu và xúc tiến thương mại được tăng cường; hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đưa hàng hóa về nông thôn, miền núi, vùng biên giới được triển khai tích cực, góp phần thúc đẩy tiêu thụ và sức mua trên thị trường.

Các hoạt động xúc tiến thương mại trong vùng được đẩy mạnh triển khai, linh hoạt các hình thức tổ chức, đa dạng về ngành hàng, dịch vụ sản phẩm đặc trưng, lợi thế của từng địa phương. Từ đó, phát triển thị trường trong và ngoài nước giúp doanh nghiệp tìm hiểu các yêu cầu, điều kiện, thị hiếu tiêu dùng của các thị trường khác nhau từ đó có chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp.

Trong 9 vừa qua, giá trị xuất khẩu khu vực Tây Bắc đạt hơn 2,1 tỷ USD, chiếm 7,66% tổng giá trị kim ngạc xuất khẩu chung của cả nước. Các mặt hàng xuất khẩu khá phong phú về chủng loại, tập trung ở các sản phẩm nông lâm sản, các mặt hàng công nghiệp và chế biến khoáng sản, hàng may mặc… hoạt động nhập khẩu đạt hơn 1,3 tỷ USD, chiếm 5,02% giá trị nhập khẩu chung của các nước.

Tại hội nghị, đại diện Sở Công Thương các tỉnh Tây Bắc đã thảo luận đưa ra những giải pháp nhằm đẩy mạnh kết nối giao thương hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu tại các địa phương. Theo đó, các tỉnh Tây Bắc tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm và tăng sức mua trên thị trường; đổi mới xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu; tăng cường các hoạt động kết nối thông tin giữa các tỉnh trong nước và các tổ chức xúc tiến thương mại; đa dạng hóa các loại hình xúc tiến thương mại, nhất là xúc tiến thương mại thị trường nước ngoài.

Bên cạnh đó, các tỉnh sẽ đẩy mạnh nghiên cứu nắm bắt nhu cầu doanh nghiệp để hỗ trợ bằng các loại hình xúc tiến phù hợp; tăng cường, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại.

Các tỉnh trong khu vực Tây Bắc cần tăng cường phối hợp với nhau và các cơ quan của Bộ Công Thương về hoạt động kết nối giao thương, trao đổi kinh nghiệm, cập nhật, cung cấp các thông tin dự báo thị trường để định hướng tổ chức sản xuất, hỗ trợ tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm hàng hóa; tăng cường hoạt động kết nối giữa các tổ chức xúc tiến thương mại các tỉnh trong vùng, trong nước và nước ngoài, kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp để tìm hiểu, nắm bắt thông tin kịp thời./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục