Kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Đồng Tháp và tỉnh Quảng Tây

Đại diện gần 20 doanh nghiệp ở Quảng Tây (Trung Quốc) và nhiều doanh nghiệp ở Đồng Tháp đã trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác, giao thương trên lĩnh vực nông sản, thủy sản.
Kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Đồng Tháp và tỉnh Quảng Tây ảnh 1Quang cảnh chương trình. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Ngày 29/8, tại thành phố Cao Lãnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp phối hợp Bộ Công Thương tổ chức Chương trình Phổ biến Thông tin, Quy định của thị trường Trung Quốc với Nông, Thủy sản Nhập khẩu và Kết nối Giao thương giữa doanh nghiệp của tỉnh Đồng Tháp với doanh nghiệp Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc).

Giới thiệu về tiềm năng, lợi thế của địa phương, bà Đặng Văn Quyên, Tuần thị viên cấp 2, Sở Thương mại Quảng Tây, cho biết Quảng Tây có nhiều cặp cửa khẩu với Việt Nam; hạ tầng được đầu tư đồng bộ phục vụ xuất nhập khẩu trái cây và thủy sản.

Bên cạnh đó, Quảng Tây sẽ đưa ra những biện pháp làm sâu sắc hơn nữa hợp tác thực chất về thương mại trái cây, thủy sản với Việt Nam, trong đó có tỉnh Đồng Tháp, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước Việt Nam-Trung Quốc.

Ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương), cho rằng trong tổng thể quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, Quảng Tây có vị trí đặc biệt quan trọng. Đây là địa phương duy nhất của Trung Quốc có cửa khẩu biên giới ở tất cả các loại hình giao thông (đường bộ, đường sông, đường sắt và đường biển) với Việt Nam; một trong những cửa ngõ quan trọng hàng đầu để hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là nhóm nông sản thâm nhập vào thị trường Trung Quốc.

Theo Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Trung Quốc là đối tác thương mại số 1 của Việt Nam, là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất của Việt Nam đối với nhóm hàng nông thủy sản. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, thương mại Việt Nam-Trung Quốc đã bị ảnh hưởng.

Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm nay đã giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2022. Việc sụt giảm kim ngạch xuất nhập khẩu nhiều mặt hàng nông, thủy sản chủ lực sang thị trường Trung Quốc đặt ra yêu cầu với các cơ quan quản lý nhà nước hai bên cần hỗ trợ kết nối, mở rộng cơ hội hợp tác kinh doanh để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

[Nhiều dư địa hợp tác thương mại với tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc]

Tại chương trình, đại diện gần 20 doanh nghiệp ở Quảng Tây và nhiều doanh nghiệp ở Đồng Tháp đã trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác, giao thương trên lĩnh vực nông sản, thủy sản…

Ông Tô Ngọc Sơn cho biết trong bối cảnh xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc giảm sút, việc kết nối cung cầu, tìm đầu ra cho doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng và thiết thực. Vì vậy, Bộ Công Thương và Sở Thương mại Quảng Tây đã phối hợp mời các doanh nghiệp Quảng Tây hoạt động ở lĩnh vực thương mại nông thủy sản, logistics tham gia chương trình để doanh nghiệp hai bên có thể giao lưu, tìm kiếm cơ hội hợp tác thương mại, tháo gỡ khó khăn hiện nay.

Kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Đồng Tháp và tỉnh Quảng Tây ảnh 2Doanh nghiệp ở tỉnh Đồng Tháp và Quảng Tây (Trung Quốc) trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Theo Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất và cũng là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đồng Tháp. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Đồng Tháp và Trung Quốc đạt 126 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 107 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 18,9 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thủy sản, gạo, giày da, sản phẩm sau gạo, bánh phồng tôm...

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Hữu Dũng cho hay trong xu hướng tới, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu tiềm năng nhiều mặt hàng của Việt Nam; trong đó nông, thủy sản vẫn chiếm tỷ trọng cao và Chính phủ Trung Quốc khuyến khích nhập khẩu hàng hóa theo đường chính ngạch để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Thị trường Trung Quốc đã và đang có yêu cầu ngày càng cao về chất lượng. Các cơ chế, chính sách quản lý về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu, kiểm tra vùng trồng… ngày càng hoàn thiện và triển khai thực thi một cách chặt chẽ hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục