Kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm ba tỉnh Đắk Lắk, Sóc Trăng và Trà Vinh

Ngày 8/8, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Sở Công Thương các tỉnh Đắk Lắk, Sóc Trăng và Trà Vinh phối hợp tổ chức Hội nghị kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm năm 2024

Doanh nghiệp, hợp tác xã các tỉnh tham quan khu trưng bày sản phẩm, đàm phán kết nối giao thương. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN.)
Doanh nghiệp, hợp tác xã các tỉnh tham quan khu trưng bày sản phẩm, đàm phán kết nối giao thương. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN.)

Ngày 8/8, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Sở Công Thương các tỉnh Đắk Lắk, Sóc Trăng và Trà Vinh phối hợp tổ chức Hội nghị kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm năm 2024

. Tham dự hội nghị có lãnh đạo Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến thương mại và hơn 60 đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà phân phối của ba tỉnh Đắk Lắk, Trà Vinh và Sóc Trăng.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Văn Nhiệm cho biết, tỉnh có 648.400 ha đất nông nghiệp, trong đó có gần 300.000 ha đất đỏ bazan - là vùng đất lý tưởng thích hợp trồng các loại cây công nghiệp, cây ăn trái. Sản phẩm nông sản thế mạnh của tỉnh gồm có: cà phê, tiêu, sầu riêng, các loại hạt, bơ, cao su, điều…

Hiện nay, việc phát triển thị trường trong nước và tăng cường xúc tiến thương mại là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết. Hội nghị nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nội địa; đồng thời hưởng ứng mạnh mẽ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.”

Hội nghị không chỉ là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà phân phối gặp gỡ, trao đổi, ký kết hợp tác mà còn là dịp để cùng nhau khám phá, khai thác tiềm năng, thế mạnh của các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng; thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm chất lượng cao, an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Văn Nhiệm cũng cho hay, Đắk Lắk có vị trí địa lý thuận lợi, nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng, đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Tỉnh Đắk Lắk cam kết sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, sản xuất và kinh doanh tại địa phương.

Tại hội nghị, đại diện ngành công thương của ba tỉnh Đắk Lắk, Trà Vinh và Sóc Trăng đã giới thiệu tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản, nhu cầu kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm chủ lực của địa phương.

Đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng giới thiệu, chia sẻ về nhu cầu kết nối tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, bên lề hội nghị có các khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu; trao đổi khả năng cung ứng, tiêu thụ hàng hóa và nhu cầu liên kết tiêu thụ với đối tác, đơn vị phân phối, tiến tới đàm phán kết nối giao thương.

Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Xanh Cao Nguyên (tỉnh Đắk Lắk) Nguyễn Văn Thanh Bình cho biết: Hợp tác xã được thành lập năm 2023, hiện canh tác gần 100 ha chanh leo tại xã Ea Kpam, huyện Cư M’Gar. Tham gia các hội nghị kết nối giao thương, xúc tiến thương mại có ý nghĩa quan trọng đối với hợp tác xã, giúp kết nối thêm được nhiều đơn vị tiêu thụ, phát triển thị trường tiêu thụ tốt hơn.

Đồng thời, thông qua các hội nghị kết nối giao thương, hợp tác xã giao lưu, học hỏi được nhiều kinh nghiệm về sản xuất, kinh doanh, thương mại điện tử để ứng dụng vào hợp tác xã.

Theo ông Lê Minh Trí, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Sóc Trăng, đa số các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hội nghị kết nối giao thương, xúc tiến thương mại có quy mô hoạt động sản xuất, kinh doanh nhỏ, lẻ.

Việc tham gia hội nghị kết nối giao thương giúp nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, kết nối và tiêu thụ được nhiều sản phẩm để có động lực phát triển hơn nữa.

Đặc thù vùng miền của hai địa phương có những sản phẩm thế mạnh khác nhau, nếu ở Tây Nguyên nổi tiếng với cà phê, ca cao, tiêu, mắc ca… thì tỉnh Sóc Trăng có đặc sản chủ lực là tôm, lúa gạo, bánh pía, lạp xưởng, hành tím Vĩnh Châu.

Do đó, hội nghị còn thúc đẩy giao lưu, kết nối tiêu thụ hàng hóa vùng miền, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, hợp tác xã và các địa phương.

Dịp này, có 29 biên bản ghi nhớ hợp tác giao thương, tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và nhà phân phối của ba địa phương đã được ký kết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục