Khai mạc kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm 2020 với nhiều môn mới

Với lợi thế là quốc gia đang ở giai đoạn dân số vàng, việc nâng tầm kỹ năng cho người lao động là điều kiện tiên quyết để Việt Nam tăng năng suất lao động, tăng năng lực quốc gia.
Khai mạc Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11 năm 2020. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Khai mạc Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11 năm 2020. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm nay là kỳ thi có số lượng nghề dự thi lớn nhất từ trước tới nay, trong đó có nhiều nghề lần đầu tiên được tổ chức thi.

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi lễ công bố Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam và khai mạc Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11 năm 2020 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 4/10 tại Hà Nội.

4/10 trở thành Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam

Theo Quyết định số 1486/QĐ-TTg ngày 1/10 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc,  ngày 4/10 hằng năm được lựa chọn là "Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam" và ngày này được tổ chức thống nhất trong toàn quốc.

Tại buổi lễ công bố, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các bộ, ngành đã thực hiện nghi thức chào mừng Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam.

Việc công bố Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam nhằm kêu gọi cộng đồng trong nước hưởng ứng, ủng hộ phát triển kỹ năng lao động bằng các hành động cụ thể để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam được tổ chức hàng năm sẽ khích lệ tinh thần học tập, rèn luyện suốt đời để nâng cao kỹ năng, trình độ của học sinh, sinh viên, người lao động; tôn vinh, khẳng định vị thế, tầm quan trọng của người lao động có kỹ năng, nhất là người lao động có tay nghề cao, kỹ năng nghề nghiệp xuất sắc...

Khai mạc kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm 2020 với nhiều môn mới ảnh 1Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các bộ, ngành đã thực hiện nghi thức chào mừng Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Với lợi thế là quốc gia đang ở giai đoạn dân số vàng, việc nâng tầm kỹ năng cho người lao động về cả số lượng và chất lượng là điều kiện tiên quyết để Việt Nam tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh của quốc gia; nhằm thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện kinh tế-xã hội để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình vào năm 2030, hướng tới mục tiêu đến năm 2045 đưa nước ta trở thành nước phát triển hoặc nước công nghiệp hiện đại.

7 nghề lần đầu tiên được đưa vào thi 

Cũng trong sáng nay, lễ khai mạc Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia 2020 đã được tổ chức. Kỳ thi diễn ra từ ngày 28/9 đến 10/10 với sự tham dự của 491 thí sinh thuộc 49 đoàn, đăng ký dự thi 34 nghề (31 nghề chính thức và 3 nghề trình diễn). Đây là số lượng nghề lớn nhất từ trước đến nay, tăng thêm 8 nghề so Kỳ thi Tay nghề Quốc gia năm 2018.

Đặc biệt, kỳ thi năm nay có 7 nghề lần đầu tiên được tổ chức thi là: Phay CNC, tiện CNC, dịch vụ lễ tân, chăm sóc sức khỏe và công tác xã hội, điều khiển công nghiệp (nghề trình diễn), thiết kế thời trang kỹ thuật số (nghề trình diễn) và công nghệ nước (nghề trình diễn).

Phát biểu khai mạc Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia năm 2020, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết: Kỳ thi năm nay được được đổi mới gắn với việc triển khai Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới, phù hợp với xu thế thay đổi trong nước, khu vực, thế giới.

[Yêu cầu đẩy mạnh cho vay phát triển nhân lực có kỹ năng nghề]

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng yêu cầu Ban Tổ chức Kỳ thi phải thể hiện tinh thần công tâm, khách quan, chính xác trong đánh giá kết quả, tạo niềm tin cho các đoàn dự thi cũng như sự thoải mái của tất cả các thí sinh. Các thí sinh là trung tâm của kỳ thi cần nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhất bài thi.

Khai mạc kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm 2020 với nhiều môn mới ảnh 2Trao Bằng khen Thủ tướng Chính phủ cho các thí sinh có thành tích xuất sắc tại Kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN và thế giới. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

“Đây là cơ hội để những sinh viên trường nghề được trình diễn kỹ năng, cũng là dịp tôn vinh lực lượng lao động trẻ có kỹ năng nghề cao theo khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia và tiệm cận được với chuẩn kỹ năng nghề ASEAN, thế giới; thúc đẩy lực lượng lao động trẻ có kỹ năng nghề theo kịp được với xu thế phát triển của hoạt động sản xuất, kinh doanh và khoa học công nghệ tiên tiến ở thời kỳ mới,” Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nói.

Sau lễ khai mạc, từ 5-7/10, các thí sinh sẽ bước vào kỳ thi và tham gia các hoạt động hội thảo chuyên môn, hoạt động phối hợp với doanh nghiệp thi trình diễn kỹ năng nghề, giới thiệu thiết bị thi kỹ năng nghề...

Ban tổ chức sẽ chấm thi và lễ bế mạc Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia 2020 được tổ chức theo lịch tổ chức tại từng hội đồng từ ngày 8-10/10/2020./.

Năm 2020 là năm đầu tiên Kỳ thi được lấy tên Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia (thay cho tên gọi Kỳ thi Tay nghề Quốc gia). Kỳ thi có sáu đơn vị đăng cai tổ chức thi các nghề do 5 Hội đồng thi phụ trách.

Tại Hà Nội: Hội đồng thi số 1 do Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội đăng cai 7 nghề; hội đồng thi số 2 do Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội đăng cai 3 nghề; hội đồng thi số 3 do Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình Đô thị đăng cai 5 nghề; hội đồng thi số 5 do Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội đăng cai 10 nghề và Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đăng cai 7 nghề.

Tại Lạng Sơn: Hội đồng thi số 4 do Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc đăng cai 2 nghề.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục