Khánh Hòa: Ứng dụng công nghệ thông tin để điều trị COVID-19 tại nhà

Công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 tại nhà được tỉnh đẩy mạnh, mang lại hiệu quả thiết thực. Tỉnh triển khai các giải pháp khắc phục, nhằm đảm bảo các hoạt động khám chữa bệnh.
Khánh Hòa: Ứng dụng công nghệ thông tin để điều trị COVID-19 tại nhà ảnh 1Người dân thành phố Nha Trang được tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19 chiều 7/1. (Ảnh: Tiên Minh/TTXVN)

Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa trung bình mỗi ngày ghi nhận 800 ca dương tính với SARS-CoV-2.

Cùng với ngành y tế, cả hệ thống chính trị của tỉnh vào cuộc phòng, chống dịch. Nhờ làm tốt công tác điều trị, nên dù số ca đứng thứ 10 trong 63 tỉnh, thành trong cả nước, nhưng số ca tử vong chỉ chiếm khoảng 0,7%. 

Công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 tại nhà được tỉnh đẩy mạnh, mang lại hiệu quả thiết thực. Tỉnh triển khai các giải pháp khắc phục, nhằm đảm bảo các hoạt động khám chữa bệnh cũng như các hoạt động phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Đình Thoan, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho rằng, tỉnh đang bị quá tải điều trị F0 ở một số địa phương.

Trước thực tế đó, ngành phối hợp với các đơn vị triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong điều trị, để giảm áp lực cho nhân viên y tế; đẩy mạnh hoạt động tiêm vaccine mũi 2 cho trẻ từ 12 đến 18 tuổi, tiêm mũi nhắc lại cho các đối tượng ưu tiên như người già, người mắc bệnh nền…

“Hiện Khánh Hòa đủ khả năng quản lý F0 cách ly, điều trị tại nhà. Tỉnh có đủ nguồn vật tư y tế, thuốc men điều trị bệnh nhân ở các bệnh viện dã chiến cũng như bệnh nhân COVID-19 tại nhà. Tuy nhiên số ca mắc hàng ngày vẫn còn cao, trong đó chủ yếu là người mắc không có biểu hiện bệnh," ông Nguyễn Đình Thoan chia sẻ.

[Tiền Giang: Nhiều trường hợp F0 điều trị tại nhà bị tử vong]

Theo thống kê, thành phố Nha Trang có khoảng 20.000 bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà, trong đó chỉ còn khoảng 5.700 ca đang điều trị. Hiện, trung bình mỗi ngày cả thành phố ghi nhận khoảng 400 ca mắc.

Chị Nguyễn Thị Hòa, xã Vĩnh Thái, thành phố Nha Trang, một bệnh nhân vừa khỏi COVID-19 cho hay cả 3 người trong gia đình chị đều mắc COVID-19 dù 2 vợ chồng đã tiêm 2 mũi vaccine.

Gia đình chị đã ở tại nhà và nhờ người thân mua bộ test nhanh COVID-19 để tự kiểm tra. Sau đó, chị đã tăng cường ăn uống để nâng cao sức đề kháng… và báo y tế phường đến kiểm tra, lấy mẫu.

Chị Hòa cho rằng, trong quá trình tự điều trị, nếu khả năng đề kháng tốt sẽ nhanh chóng phục hồi, giảm áp lực cho y tế địa phương. Sự có mặt kịp thời cũng như tư vấn, hỗ trợ điều trị từ xa của y tế phường đã giúp chị và gia đình khỏi bệnh chỉ trong 10 ngày. 

Ông Phan Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nha Trang cho biết trong quá trình phòng, chống dịch, ngoài sự thuận lợi là người dân chấp hành các khuyến cáo, biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, thành phố cũng gặp nhiều khó khăn ở tuyến y tế cơ sở và đang từng bước tháo gỡ.

Mới đây, thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như kêu gọi lực lượng y tế đã nghỉ hưu cùng các tổ chức chính trị, xã hội cùng tham gia công tác điều trị F0 tại nhà; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tư vấn sức khỏe cho người bệnh và tuyên truyền để người dân chấp hành đúng các quy định phòng, chống dịch.

Thị xã Ninh Hòa là địa phương có số ca mắc mỗi ngày cao thứ 2, sau thành phố Nha Trang. Nhờ chủ động các phương án phòng, chống dịch nên thị xã vẫn làm chủ được tình hình và không xảy ra tình trạng quá tải cho y tế cơ sở.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa chia sẻ, trung bình mỗi ngày thị xã ghi nhận khoảng 100 ca mắc COVID-19. Chỉ có trẻ em, người già mới được đưa vào viện điều trị.

Khi triển khai điều trị F0 tại nhà, người dân, các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn thị xã đã tích cực hỗ trợ y tế địa phương.

Từ đầu đợt dịch thứ 4 (tháng 6/2021) đến nay, Khánh Hòa ghi nhận trên 44.000 ca mắc COVID-19. Tỉnh đang điều trị cho trên 10.000 ca, trong đó các ca bệnh nhẹ chiếm 98%. 

Ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đề nghị các địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để hướng dẫn điều trị F0 tại nhà. Với các ca bệnh nặng ở các bệnh viện dã chiến, ngành y tế cần tăng cường nhân lực, thuốc men, vật tư để điều trị, nhằm giảm thấp nhất tỷ lệ tử vong.

“Tết Nguyên đán sắp tới, nhu cầu vui chơi, gặp mặt của nhân dân rất lớn, khả năng lây nhiễm dịch trong cộng đồng sẽ rất cao. Để giảm tải cho ngành y tế, thời gian tới, các địa phương cần thực hiện nghiêm các văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh về phòng, chống dịch COVID-19; hạn chế tụ tập đông người trong dịp lễ, Tết; tăng cường tuyên truyền cho người dân về công tác phòng, chống dịch… và triển khai thần tốc tiêm vaccine cho người dân,” ông Đinh Văn Thiệu nêu giải pháp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục