Ngày 5/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát lệnh khởi công nhà máy thủy điện Lai Châu - dự án thủy điện có ý nghĩa lớn về kinh tế-xã hội không chỉ đối với tỉnh Lai Châu, Điện Biên mà của cả vùng Tây Bắc.
Thủy điện Lai Châu được xây dựng ở xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè, nằm trong Quy hoạch Điện VI đã được Chính phủ phê duyệt và do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư.
Nhà máy có công suất thiết kế 1.200 MW, tổng mức đầu tư khoảng 35.700 tỷ đồng, điện lượng trung bình hàng năm là 4,67 tỷ kWh, không kể tăng thêm cho thủy điện Sơn La và thủy điện Hòa Bình.
Theo thiết kế, hồ chứa thủy điện Lai Châu nằm trong khu vực huyện Mường Tè; toàn bộ công trình sẽ hoàn thành vào năm 2017.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ ưu tiên phát triển các dự án thủy điện, nhất là các dự án đa mục tiêu là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước, trong đó có thủy điện Lai Châu với nhiều lợi ích như cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, góp phần cùng các nhà máy thủy điện trên sông Đà phục vụ chống lũ về mùa mưa, cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc Bộ, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội hai tỉnh Lai Châu, Điện Biên và cả vùng Tây Bắc, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Tây Bắc.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiệt liệt biểu dương Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu và huyện Mường Tè đã không quản ngại khó khăn, sẵn sàng và tích cực thực hiện công tác di dân, tái định cư, nhường đất cho việc xây dựng công trình, vì dòng điện tương lai của Tổ quốc.
Thủ tướng cũng đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương nỗ lực của EVN và các đơn vị tư vấn trong quá trình chuẩn bị đầu tư dự án, biểu dương Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam và các nhà thầu đã hoàn thành các hạng mục công trình cần thiết, công tác chuẩn bị mặt bằng cho việc khởi công dự án.
Để dự án triển khai đúng tiến độ, chất lượng và hiệu quả, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu EVN phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu, xây dựng nhà máy bảo đảm theo đúng các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng, chất lượng công trình, an toàn lao động và thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng đã ký giữa nhà thầu và chủ đầu tư, bảo đảm tiến độ đề ra của dự án là thi công các hạng mục dẫn dòng thi công giai đoạn 1 đảm bảo chống lũ năm 2011 an toàn, thực hiện lấp sông vào tháng 3/2012, phát điện tổ máy số 1 vào quý I năm 2016 và hoàn thành toàn bộ công trình đầu năm 2017.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu, chính quyền và nhân dân vùng dự án cần làm tốt công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân tái định cư, bàn giao mặt bằng đúng tiến độ cho dự án, đồng thời bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, nhất là trong quá trình thi công xây dựng công trình.
Tỉnh cần bảo đảm cho người dân tái định cư có cuộc sống thực sự ngày càng tốt hơn nơi ở cũ, cả về sản xuất, sinh hoạt như đi lại, học hành của con em, khám chữa bệnh của đồng bào...; kết hợp tái định cư với sắp xếp lại dân cư trên địa bàn, gắn với xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu phải bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quá trình thi công cũng như sau khi đưa công trình vào vận hành.
Trước hết, chủ đầu tư, các đơn vị thi công phải thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường, các cơ quan chức năng của tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm xây dựng Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện Lai Châu và điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa hệ thống sông Đà-sông Lô Gâm khi có thủy điện Lai Châu vào vận hành, trình duyệt theo quy định./.
Thủy điện Lai Châu được xây dựng ở xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè, nằm trong Quy hoạch Điện VI đã được Chính phủ phê duyệt và do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư.
Nhà máy có công suất thiết kế 1.200 MW, tổng mức đầu tư khoảng 35.700 tỷ đồng, điện lượng trung bình hàng năm là 4,67 tỷ kWh, không kể tăng thêm cho thủy điện Sơn La và thủy điện Hòa Bình.
Theo thiết kế, hồ chứa thủy điện Lai Châu nằm trong khu vực huyện Mường Tè; toàn bộ công trình sẽ hoàn thành vào năm 2017.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ ưu tiên phát triển các dự án thủy điện, nhất là các dự án đa mục tiêu là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước, trong đó có thủy điện Lai Châu với nhiều lợi ích như cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, góp phần cùng các nhà máy thủy điện trên sông Đà phục vụ chống lũ về mùa mưa, cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc Bộ, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội hai tỉnh Lai Châu, Điện Biên và cả vùng Tây Bắc, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Tây Bắc.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiệt liệt biểu dương Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu và huyện Mường Tè đã không quản ngại khó khăn, sẵn sàng và tích cực thực hiện công tác di dân, tái định cư, nhường đất cho việc xây dựng công trình, vì dòng điện tương lai của Tổ quốc.
Thủ tướng cũng đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương nỗ lực của EVN và các đơn vị tư vấn trong quá trình chuẩn bị đầu tư dự án, biểu dương Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam và các nhà thầu đã hoàn thành các hạng mục công trình cần thiết, công tác chuẩn bị mặt bằng cho việc khởi công dự án.
Để dự án triển khai đúng tiến độ, chất lượng và hiệu quả, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu EVN phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu, xây dựng nhà máy bảo đảm theo đúng các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng, chất lượng công trình, an toàn lao động và thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng đã ký giữa nhà thầu và chủ đầu tư, bảo đảm tiến độ đề ra của dự án là thi công các hạng mục dẫn dòng thi công giai đoạn 1 đảm bảo chống lũ năm 2011 an toàn, thực hiện lấp sông vào tháng 3/2012, phát điện tổ máy số 1 vào quý I năm 2016 và hoàn thành toàn bộ công trình đầu năm 2017.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu, chính quyền và nhân dân vùng dự án cần làm tốt công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân tái định cư, bàn giao mặt bằng đúng tiến độ cho dự án, đồng thời bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, nhất là trong quá trình thi công xây dựng công trình.
Tỉnh cần bảo đảm cho người dân tái định cư có cuộc sống thực sự ngày càng tốt hơn nơi ở cũ, cả về sản xuất, sinh hoạt như đi lại, học hành của con em, khám chữa bệnh của đồng bào...; kết hợp tái định cư với sắp xếp lại dân cư trên địa bàn, gắn với xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu phải bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quá trình thi công cũng như sau khi đưa công trình vào vận hành.
Trước hết, chủ đầu tư, các đơn vị thi công phải thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường, các cơ quan chức năng của tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm xây dựng Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện Lai Châu và điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa hệ thống sông Đà-sông Lô Gâm khi có thủy điện Lai Châu vào vận hành, trình duyệt theo quy định./.
Thiện Thuật (TTXVN/Vietnam+)