Việc các nhà lãnh đạo chính trị chủ chốt ở Libya cam kết sẽ thực hiện theo một tiến trình chính trị do Liên hợp quốc bảo trợ, bao gồm tổ chức một hội nghị quốc gia ở nước này, tiếp đó là bầu cử quốc hội và tổng thống vào tháng 6/2019, được đánh giá là bước tiến đáng khích lệ có thể giúp Libya thoát khỏi tình trạng bất ổn và bạo lực kéo dài suốt 7 năm qua.
Điều đó có nghĩa Liên hợp quốc sẽ nắm lại quyền kiểm soát tiến trình ổn định ở Libya và ấn định một khung thời gian thực tế hơn để tổ chức các cuộc bầu cử ở nước này.
Với kết quả này, Hội nghị quốc tế về Libya tổ chức ở thành phố Palermo, thủ phủ Sicily (Italy) diễn ra ngày 13/11 đã đạt mục tiêu đề ra khi đặt nền móng cho sự khởi đầu hướng tới ổn định tình hình Libya.
Hội nghị do Italy chủ trì, có sự tham dự của đại diện các bên ở Libya, trong đó có 4 nhân vật chủ chốt là Thủ tướng Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được Liên hợp quốc ủng hộ Fayez Serraj, người đứng đầu Hội đồng cấp cao quốc gia Khalid Al-Mishri, Chủ tịch Hạ viện Ageela Saleh và Tướng Khalifa Haftar, người hậu thuẫn chính quyền tại miền Đông Libya, đối địch với GNA.
Ngoài ra còn có 38 phái đoàn từ Đức, Pháp, Mỹ, Nga, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Liên đoàn Arab (AL), Ngân hàng Thế giới (WB)….
[Liên đoàn Arab kêu gọi các bên tại Libya đạt đồng thuận về chính trị]
Được kỳ vọng là cơ hội tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị ở quốc gia Bắc Phi, hội nghị Palermo diễn ra chỉ vài ngày sau khi Đặc phái viên Liên hợp quốc về Libya, Ghassan Salame đưa ra một lộ trình mới, đề xuất tổ chức một hội nghị quốc gia ở Libya, với mục tiêu vạch ra một đường hướng rõ ràng để các bên thoát khỏi thế bế tắc hiện nay, tiến tới bầu cử ở Libya.
Tín hiệu tích cực nhất từ hội nghị, là cả Tướng Khalifa Haftar, nhân vật đang kiểm soát khu vực miền Đông Libya, lẫn Thủ tướng GNA Fayez Serraj đều bày tỏ sự ủng hộ đối với kế hoạch mới của Liên hợp quốc. Điều này mở ra cơ hội cho lộ trình chính trị để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Libya, vốn rơi vào tình trạng bất ổn từ năm 2011 sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi.
Hiện ở quốc gia này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng, gồm GNA được quốc tế công nhận hoạt động tại Tripoli do Thủ tướng Fayez al-Sarraj lãnh đạo và một chính quyền ở miền Đông.
Tình hình an ninh và kinh tế hiện nay ở Libya, đặc biệt tại thủ đô Tripoli, vẫn đang khá nghiêm trọng.
Bạo lực, xung đột xảy ra tràn lan trong khi giá cả nhiên liệu và nhu yếu phẩm leo thang chóng mặt. Cuộc khủng hoảng kinh tế ở Libya đang khiến quan hệ giữa GNA và chính quyền ở miền Đông ngày càng căng thẳng.
Chỉ huy quân đội của chính quyền ở miền Đông, Tướng Khalifa Haftar lâu nay thường đe dọa sẽ tiến hành một cuộc tấn công lớn nhằm vào thủ đô Tripoli.
Bởi vậy mà kết quả hội nghị Palermo được Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đánh giá là một “thông điệp mạnh mẽ của hy vọng”, củng cố thêm lòng tin về tương lai ổn định cho Libya. Các quốc gia Mỹ, Nga… cũng hoan nghênh kết quả hội nghị.
Tuy nhiên, dư luận cũng không khỏi nghi ngờ về tính khả thi của những cam kết tại hội nghị Palermo và lộ trình giải quyết vấn đề Libya được đánh giá còn khá gian nan.
Trên thực tế thì ngoài cam kết ủng hộ kế hoạch mới của Liên hợp quốc, các bên không đưa ra quyết định cụ thể nào, cũng không xác định trách nhiệm của từng bên.
Những vấn đề quan trọng có ý nghĩa quyết định trong việc mang lại sự ổn định cho Libya, trong đó có thành lập một lực lượng cảnh sát do nhà nước kiểm soát và tái phân bổ các nguồn lợi từ dầu mỏ ở nước này, cũng chưa được giải quyết.
Hơn nữa, tình hình Libya hiện còn phức tạp hơn nhiều do sự phát triển nở rộ và vai trò ngày càng lớn của các nhóm dân quân vũ trang vốn ra đời từ sự hỗn loạn và bất ổn ở nước này.
Hiện các nhóm trên hoạt động mạnh ở miền Tây Libya và đang tẩy chay mọi nỗ lực quốc tế và thể hiện lập trường “không muốn nước ngoài can thiệp vào Libya.”
Hồi tháng 5 vừa qua, Pháp cũng đã chủ trì một hội nghị quốc tế về Libya ở Paris dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, trong đó các bên liên quan đã đạt được một thỏa thuận 8 điểm với nội dung chính là sẽ thực hiện tiến trình nhằm tổ chức thành công các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống ở Libya vào ngày 10/12 tới.
Tuy nhiên, sáng kiến của Pháp bị chỉ trích là khá vội vàng và không bao gồm đầy đủ các thành phần chính trị ở Libya.
Bên cạnh đó, các phe phái ở quốc gia Bắc Phi này cũng chưa sẵn sàng có những thỏa hiệp cần thiết để giải quyết tình thế bế tắc chính trị, dẫn tới thỏa thuận tại hội nghị Paris không thể thực hiện được.
Việc tổ chức hội nghị Palermo được coi là một nỗ lực của Italy nhằm đối trọng với hội nghị Paris. Cách tiếp cận của Italy nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Libya trái ngược với cách tiếp cận của Pháp. Rome cho rằng sự ổn định là con đường duy nhất hướng tới tương lai cho Libya, và các cuộc bầu cử chỉ nên diễn ra sau đó. Phía Pháp thì lại muốn tổ chức bầu cử trước.
Theo giới phân tích, những chương trình nghị sự mang tính cạnh tranh giữa Pháp và Italy đã bộc lộ bất đồng giữa hai nước về một giải pháp chính trị cho Libya, dù cả hai đều coi đây là một trong những trọng tâm đối ngoại, bởi Libya chính là địa bàn trung chuyển của hàng chục nghìn người di cư châu Phi tìm cách vượt biển Địa Trung Hải sang các nước châu Âu.
Các kế hoạch song song của Pháp và Italy cho Libya, cùng với mâu thuẫn nội bộ trong EU về cách thức giải quyết vấn đề này, phần nào đó cũng đang trở thành rào cản khiến khủng hoảng ở Libya chưa thể sớm tháo gỡ.
Nhìn chung, mặc dù lộ trình giải quyết chính trị cho cuộc khủng hoảng Libya đã được khởi động, song không dễ để có thể đạt được hòa bình và ổn định trọn vẹn tại Libya.
Việc giải quyết vấn đề Libya giờ đây dường như đang trông chờ vào nỗ lực của cộng đồng quốc tế, trong khi điều quan trọng hơn là phải có sự thống nhất rộng khắp, toàn diện, không chỉ từ hai chính quyền đối địch mà còn cả các nhóm sắc tộc thiểu số, thủ lĩnh bộ lạc, dân quân vũ trang… ở quốc gia Bắc Phi này./.