Hơn 50% doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia đóng bảo hiểm xã hội

Khởi kiện nợ bảo hiểm xã hội: Quy định có nhưng vẫn khó thực hiện

Tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng trăm nghìn lao động, thế nhưng tổ chức công đoàn vẫn chưa khởi kiện được thành công vụ nợ nà0 để tăng sức răn đe
Khởi kiện nợ bảo hiểm xã hội: Quy định có nhưng vẫn khó thực hiện ảnh 1Toạ đàm về gỡ vướng trong khởi kiện nợ bảo hiểm xã hội. (Ảnh:PV/Vietnam+)

Tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng trăm nghìn lao động. Thế nhưng sau hơn một năm Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực, tổ chức công đoàn vẫn chưa khởi kiện thành công vụ nợ đọng nào để tăng sức răn đe với hành vi nợ bảo hiểm xã hội.

Nguyên nhân được cho là do vướng mắc về pháp lý, bất cập giữa một số quy định của pháp luật và cần có giải pháp khắc phục cho thực trạng này.

Đây là một trong những nội dung chính được thảo luận xung quanh buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Gỡ vướng trong khởi kiện trốn đóng bảo hiểm xã hội” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 8/5 tại Hà Nội.

[Doanh nghiệp phá sản, người lao động mắc kẹt với nợ bảo hiểm xã hội]

Nợ bảo hiểm xã hội 10 năm

Theo số liệu Tổng cục Thuế, hiện nay có khoảng gần 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tuy nhiên mới có 235.000 doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội, chỉ chiếm khoảng 47%. Như vậy, hiện nay vẫn còn có tới 50% doanh nghiệp chưa tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Mặc khác, theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cả nước có khoảng 15 triệu người lao động làm việc thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc, tuy nhiên mới có 13 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chiếm khoảng 86%.

Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, tình trạng nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội diễn ra ở tất cả loại hình kinh tế, nhưng tập trung vào khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Nguyên nhân chính là do tính tuân thủ pháp luật bảo hiểm xã hội của chủ sử dụng lao động chưa cao, chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, chưa quan tâm đến quyền lợi bảo hiểm xã hội đối với người lao động.

Theo ông Đào Việt Ánh, tính đến hết quý 1, một số doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội với số tiền lớn, thời gian nợ kéo dài như: Công ty Cổ phần xe khách Phương Trang (Thành phố Hồ Chí Minh) 28,7 tỷ đồng; Công ty TNHH Nam Phương (Thành phố Hồ Chí Minh) 20,9 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Lilama 3 (Hà Nội) 25,4 tỷ đồng; Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT Garment (Hà Nội) 19 tỷ đồng; Công ty Cổ phần ô tô Xuân Kiên Vinaxuki (Hà Nội) 18,9 tỷ đồng; Công ty CP xây dựng 47 (Bình Định) 15,7 tỷ đồng; Công ty Cổ phẩn Vietbo (Đồng Nai) 19,9 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Inox HB (Hưng Yên) 14,2 tỷ đồng…

“Điều đáng lo ngại nhất là hiện nay có khoảng 1.400 tỷ đồng nợ bảo hiểm xã hội từ các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn. Số tiền này được theo dõi trên hệ thống sổ sách đã hơn 10 năm. Đây là dạng “nợ treo” hầu như không thể thu hồi và quyền lợi của người lao động ở các doanh nghiệp này cũng bị “treo” chưa được giải quyết. Đến hết ngày 31/12/2015, trong số 1.400 tỷ đồng tiền nợ có 193.661 người lao động bị ảnh hưởng đến quyền lợi,” ông Đào Việt Ánh nói.

[Ba phương án giải quyết nợ bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp phá sản]

Trước thực trạng này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã cùng hợp tác trong việc khởi kiện các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội. Theo Luật bảo hiểm xã hội và Luật Công đoàn thì công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên trực tiếp (với những đơn vị, doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở) có trách nhiệm đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện ra toà.

Đến nay, cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp đã cung cấp hồ sơ 1.887 đơn vị, doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội cho công đoàn để khởi kiện. Liên đoàn lao động các tỉnh đã nộp 82 hồ sơ khởi kiện ra tòa án, trong đó hai vụ án tòa án đã có quyết định công nhận hòa giải thành, với tổng số tiền đã trả nợ sau hòa giải là 120 triệu đồng. Tuy nhiên, tổ chức công đoàn đang gặp nhiều khó khăn do sự khác nhau về quy định khởi kiện.

Khởi kiện nợ bảo hiểm xã hội: Quy định có nhưng vẫn khó thực hiện ảnh 2Phòng một cửa của cơ quản bảo hiểm xã hội. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Chưa có quy trình khởi kiện chuẩn

Việc khởi kiện hiện nay đòi hỏi phải do công đoàn cơ sở khởi kiện hoặc phải có giấy ủy quyền của người lao động. Đây là một trong những nguyên nhân khiến việc khởi kiện của tổ chức công đoàn chưa phát huy hiệu quả.

Ông Đào Việt Ánh cho biết, mặc dù cơ quan bảo hiểm xã hội đã chuyển hơn 1.800 hồ sơ cho tổ chức công đoàn nhưng số vụ mà tổ chức công đoàn nộp đơn khởi kiện còn rất ít (82 hồ sơ) trong đó có những hồ sơ bị tòa án trả lại với lý do thiếu giấy ủy quyền của người lao động hoặc giấy ủy quyền của tổ chức công đoàn cơ sở. Có nơi, toà án đã thụ lý vụ án rồi lại ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự với lý do người khởi kiện không có quyền khởi kiện theo quy định tại Điều 186 và Điều 187 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Thừa nhận thực trạng này, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng cho biết, trong số các vụ án nợ bảo hểm xã hội mà tổ chức công đoàn khởi kiện hiện nay có 17 vụ toà án trả lại với lý do không có giấy uỷ quyền hoặc chưa đúng trình tự giải quyết tranh chấp lao động, chưa có quyết định xử phạt hành chính trước khi khởi kiện...

Theo ông Mai Đức Chính, việc uỷ quyền cũng không đơn giản, mỗi người lao động muốn uỷ quyền phải trực tiếp đi cùng người được uỷ quyền ra uỷ ban, phòng công chứng làm giấy tờ với lệ phí 130.000 đồng. Với những doanh nghiệp có tới 1.000, 2.000 lao động thì hàng nghìn người đi ra uỷ quyền rất mất thời gian. Đấy là chưa kể đến nếu uỷ quyền cá nhân khi xử toà án sẽ xử lý từng vụ án vì đây là tranh chấp cá nhân.

“Thực tế tôi đã từng theo đuổi vụ án 29 người lao động kiện chủ sử dụng mà qua toà sơ thẩm, phúc thẩm mất hơn 4 năm trời với biết bao thủ tục phức tạp mới đòi được tiền cho người lao động,” ông Mai Đức Chính nói.

Khởi kiện nợ bảo hiểm xã hội: Quy định có nhưng vẫn khó thực hiện ảnh 3Tư vấn giải quyết chính sách bảo hiểm xã hội. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Không chỉ khó khăn trong việc uỷ quyển, trong thực tế hiện nay ở nhiều nơi có tình trạng công đoàn cơ sở không dám đứng ra khởi kiện hoặc ủy quyền cho công đoàn cấp trên khởi kiện. Người lao động lại càng không dám ủy quyền cho tổ chức công đoàn kiện chủ doanh nghiệp của mình khi bản thân cần có công ăn việc làm.

Thêm vào đó, Bộ luật Hình sự năm 2015, điều 216 quy định về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, người vi phạm có thể bị phạt tiền đến 3 tỷ đồng, phạt tù tới 7 năm. Tuy nhiên, Bộ luật chưa được thi hành nên chưa tạo được sự “răn đe” hiệu quả đối với nhiều chủ sử dụng lao động đang trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội.

Sự chồng chéo và “khoảng trống” về pháp luật được cho là nguyên nhân chính khiến khởi kiện bế tắc. Để tổ chức công đoàn khởi kiện và được toà án chấp nhận thụ lý vụ án khởi kiện, cần phải căn cứ vào Bộ luật Tố tụng dân sự, thế nhưng Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ 1/1/2016, Bộ luật Tố tụng dân sự thì ngày 1/7/2016 mới có hiệu lực. Tiếp theo đó, Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ 1/7/2016, nhưng phải tạm dừng để chờ tới Kỳ họp Quốc hội tới đây cho ý kiến.

[Khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội: Chưa làm đừng kêu... khó]

Thừa nhận hiện nay quy định thì có nhưng vẫn khó thực thi việc khởi kiện, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng cần phải xem xét , thống nhất lại việc ban hành các quy định pháp luật. Trong khi chờ đồng bộ hệ thống pháp luật, để khắc phục “khoảng trống” của các quy định, trước mắt cần cho phép công đoàn cấp trên được phép khởi kiện nợ bảo hiểm xã hội để “gỡ” khó cho việc uỷ quyền khởi kiện cho tổ chức công đoàn.

Mặc dù khởi kiện ra toà còn gặp nhiều khó khăn, nhưng trong quá trình khởi kiện thì cơ quan bảo hiểm xã hội và tổ chức công đoàn đã phối hợp đôn đốc, thuyết phục các đơn vị, doanh nghiệp trả nợ. Nhiều doanh nghiệp đã khắc phục hết nợ hoặc cam kết trả nợ theo lộ trình. Tính đến cuối tháng 4, đã có 317 đơn vị, doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội nộp hết số tiền nợ; 437 đơn vị, doanh nghiệp đã khắc phục một phần nợ với tổng số tiền thu được là hơn 260 tỷ đồng. Nếu việc khởi kiện được thực hiện tốt, việc nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội sẽ được khắc phục đáng kể./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục