Khơi thông nguồn lực, thực hiện khát vọng phát triển Thủ đô

Các đại biểu đã cơ bản tán thành các báo cáo với nội dung quan trọng nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết của Trung ương, khơi dậy mọi tiềm năng, khơi thông nguồn lực, thực hiện khát vọng phát triển Thủ đô.
Khơi thông nguồn lực, thực hiện khát vọng phát triển Thủ đô ảnh 1Một góc Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Ngày 11/1, tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII, với 130 ý kiến sâu sắc, trí tuệ, tâm huyết, các đại biểu đã cơ bản nhất trí với 13 nội dung trình tại Hội nghị, đồng thời phân tích, làm rõ thêm những kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân, đề xuất các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Kinh tế phục hồi tăng trưởng 8,89%

Trong năm 2022, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã triển khai các nhiệm vụ chính trị trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức đan xen. Với quyết tâm, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, quyết liệt thực hiện chủ đề công tác là “Kỷ cương-Trách nhiệm-Hành động-Sáng tạo-Phát triển,” Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo các cấp ủy, hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, sáng tạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, đạt được kết quả toàn diện, nổi bật trên nhiều lĩnh vực.

Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa, quán triệt thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, thành phố, đồng thời, ban hành nhiều văn bản mới về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và công tác cán bộ; triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm, có tính chất chiến lược, căn cơ, lâu dài, liên quan đến sự phát triển của Thủ đô trong giai đoạn tới.

Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân và toàn hệ thống chính trị đã tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Kinh tế phục hồi tăng trưởng 8,89%, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây và vượt kế hoạch đề ra; quản lý, phát triển đô thị chuyển biến tích cực; hạ tầng đô thị được duy trì tốt. Văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển, chất lượng giáo dục được giữ vững; an sinh xã hội được đảm bảo.

Khơi thông nguồn lực, thực hiện khát vọng phát triển Thủ đô

Tiếp thu, giải trình các ý kiến thảo luận của các đại biểu về 3 Nghị quyết gồm: Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, các đại biểu đã cơ bản tán thành các báo cáo với nội dung quan trọng nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết của Trung ương, khơi dậy mọi tiềm năng, khơi thông nguồn lực, thực hiện khát vọng phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trên cơ sở các Nghị quyết Trung ương, dự thảo chương trình hành động đã bám sát yêu cầu các mục tiêu của Nghị quyết, đồng thời đề xuất các mục tiêu, chỉ tiêu gắn với thực tiễn của thành phố, đặc biệt gắn với khát vọng phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

[Tự hào và đồng lòng phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại]

Cụ thể, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29 đã xây dựng 26 tiêu chí và chỉ tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô, trong đó có 7 chỉ tiêu trình độ phát triển kinh tế, 9 chỉ tiêu trình độ phát triển văn hóa; 5 chỉ tiêu trình độ phát triển đô thị và 4 chỉ tiêu bảo vệ, quản lý môi trường. Các chỉ tiêu này đều dựa trên đề án công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được thành phố phê  duyệt.

Việc cụ thể hóa các tiêu chí, chỉ tiêu để phù hợp với yêu cầu, bối cảnh mới phát triển Thủ đô cần tiếp tục được rà soát, nghiên cứu làm rõ bản chất nội hàm. Đối với chương trình thực hiện Nghị quyết số 30 có 29 chỉ tiêu, trong đó 10 chỉ tiêu phát triển kinh tế, 5 chỉ tiêu phát triển văn hóa xã hội, 5 chỉ tiêu về đô thị và 9 chi tiêu xây dựng Đảng. Các chỉ tiêu này đã được xây dựng cụ thể hóa và được thông qua tại chương trình hành động số 16 của Thành ủy. Tuy nhiên, các chương trình còn một số chỉ tiêu cần tiếp tục nghiên cứu bài bản, khoa học để có luận cứ triển khai.

Khơi thông nguồn lực, thực hiện khát vọng phát triển Thủ đô ảnh 2Một góc Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Cùng với các nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết số 20, 29 và 30 sẽ là cơ sở chính trị định hướng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô, tái cơ cấu lại kinh tế, trong đó có thành phần kinh tế tập thể, đẩy mạnh hội nhập và liên kết vùng.

“Ban cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ cụ thể hóa các nội dung bằng các đề án, chương trình, dự án giao các sở, ban, ngành thành phố và các quận, huyện theo hướng rõ người, rõ việc, rõ thời gian tiến độ, kết quả, sản phẩm cụ thể, trong đó nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu của cơ quan, đơn vị góp phần thực hiện thắng lợi các Nghị quyết,” Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Hà Minh Hải nêu rõ.

Đưa Nghị quyết vào cuộc sống

Tại Hội nghị, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố đã tiếp thu, giải trình các ý kiến đại biểu nêu về chương trình, kế hoạch thực hiện một số nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương.

Kết luận hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, các kế hoạch, chương trình hành động của Thành ủy thực hiện các nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, 6 và một số nghị quyết của Bộ Chính trị khóa XIII là những nội dung rất quan trọng, có tính chủ trương, định hướng trước mắt và lâu dài cho sự phát triển của Thủ đô trên hầu hết các lĩnh vực.

Vì vậy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố giao Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo các cơ quan tham mưu tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý xác đáng để tiếp tục hoàn thiện các dự thảo kế hoạch, chương trình hành động của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy triển khai thực hiện; trong đó cần lưu ý bảo đảm thống nhất chung về thể thức, bố cục của các dự thảo và đồng bộ về các giải pháp; sớm ban hành để làm căn cứ cho các tổ chức Đảng trực thuộc, các sở, ban, ngành thành phố xây dựng kế hoạch hành động của từng ngành và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Trước mắt, các cấp, các ngành quan tâm tổ chức phục vụ nhân dân Thủ đô đón Tết Quý Mão chu đáo, vui tươi, nghĩa tình, an toàn, tiết kiệm; thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Thành ủy; bảo đảm tuyệt đối an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động chào đón năm mới, mừng Xuân Quý Mão gắn với các phong trào thi đua, hoạt động thiết thực kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1930-3/2/2023) và 93 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội (17/3/1930-17/3/2023)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục