Không đạt mục tiêu, doanh nghiệp xuất khẩu điều tìm thị trường ngách

Mặc dù tham gia đóng góp vào nhóm ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ USD, nhưng trong năm 2022 đầy biến động và khó khăn, ngành điều đã không đạt được mục tiêu đề ra.
Không đạt mục tiêu, doanh nghiệp xuất khẩu điều tìm thị trường ngách ảnh 1Sơ chế hạt điều xuất khẩu. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Ngành điều Việt Nam là một trong những ngành hàng nông sản có vị thế hàng đầu thế giới so với mặt hàng cùng loại của các quốc gia khác.

Mặc dù tham gia đóng góp vào nhóm ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ USD, nhưng trong năm 2022 đầy biến động và khó khăn, ngành điều đã không đạt được mục tiêu đề ra.

Xuất khẩu giảm trước nhiều rào cản

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu hạt điều của Việt Nam năm 2022 ước đạt 3,05 tỷ USD, với sản lượng 514.699 tấn, giảm 12,6% về lượng, giảm 16% về trị giá, không đạt được mục tiêu đã đề ra từ đầu năm 2022.

Lý giải cho sự sụt giảm này, các chuyên gia ngành điều nhận xét, lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia, đặc biệt là những quốc gia có nền kinh tế phát triển, đã khiến cho những người dân nơi đây phải thắt chặt chi tiêu; trong đó có việc tiết giảm những loại thực phẩm không thiết yếu trong bữa ăn hàng ngày.

Thêm vào đó, chiến sự Nga-Ukraine đã khiến giao thương thế giới gặp nhiều trắc trở.

[Cảnh báo doanh nghiệp xuất khẩu điều cẩn trọng trong ký kết hợp đồng]

Ông Trần Văn Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, chia sẻ năm 2021, Nga là thị trường xếp thứ 11 trong tổng số 104 thị trường xuất khẩu của nhân điều Việt Nam, với giá trị xuất khẩu gần 62 triệu USD.

Từ khi xung đột Nga-Ukraine xảy ra, Nga bị loại ra khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, việc xuất khẩu hạt điều Việt Nam vào Nga gặp khó khăn khâu thanh toán, ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu nhân điều đi thị trường này.

Không những vậy, thị trường lớn khác của Việt Nam là Trung Quốc vẫn duy trì chính sách "Không COVID" trong thời điểm từ đầu năm 2022 đến hết tháng 11/2022 đã khiến việc xuất khẩu nhân điều cũng như các nông sản khác tiếp tục gặp bất lợi tại thị trường Trung Quốc.

Chi phí vận chuyển cũng góp phần không nhỏ vào khó khăn này, khiến cho giá điều bán ra bắt buộc phải tăng mới có thể có lời.

Không đạt mục tiêu, doanh nghiệp xuất khẩu điều tìm thị trường ngách ảnh 2Thu mua điều tại xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập. (Ảnh: K GỬIH/TTXVN)

"Cũng trong thời điểm lạm phát toàn cầu tăng, giá điều thô nguyên liệu cũng tăng cao so với gia nhân điều bán ra, giá thành chế biến xuất khẩu cao trong khi giá bán nhân thấp, khiến các nhà máy chế biến khó cân đối cho hòa vốn, chưa tính đến lãi. Điển hình có thể thấy tại thủ phủ chế biến điều Bình Phước, nhiều nhà máy chế biến nhỏ phải tạm dừng sản xuất để "cắt lỗ" trong thời điểm này, các nhà máy lớn cũng giảm công suất và chế biến cầm chừng vì càng chế biến nhiều thì càng lỗ. Do đó, giá trị thặng dư từ điều nguyên liệu đến nhân điều chế biến là một bài toán khó để duy trì hoạt động của nhà máy, hoạt động chế biến, xuất khẩu điều của các doanh nghiệp ngành điều trong năm 2022," ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần điều Long Sơn chia sẻ.

Tìm thị trường ngách và gia tăng tiêu thụ nội địa

Vì sự khó khăn của thị trường, kể cả nguồn nguyên liệu điều thô phục vụ cho chế biến, ngành điều đã tìm nhiều cách để giải bài toán khó này.

Với tổng công suất chế biến của ngành điều đạt hơn 1,6 triệu tấn, trong năm 2022, toàn ngành điều đã nhập khẩu hơn 1,8 triệu tấn điều nguyên liệu từ các thị trường châu Phi, Côte d'Ivoire, Campuchia...

Ngành điều phải nhập khẩu nguồn nguyên liệu lớn hơn so với tổng công suất chế biến của toàn ngành là bởi nguồn nguyên liệu trong nước chỉ cung ứng tối đa 25% công suất này.

Hơn nữa, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều có nhiều nhà máy lớn cũng đồng nghĩa với có kho trữ nguyên liệu lớn.

Nguồn nguyên liệu nhập khẩu lớn với mục đích dự trữ, phục vụ cho những thời điểm khó khăn như giai đoạn ứng phó với COVID-19 năm 2021, không có container rỗng, giá cước vận chuyển tăng cao.

Không chỉ các nhà máy tại Việt Nam phải dự trữ nguyên liệu, nhiều nhà nhập khẩu nước ngoài cũng đã có nguồn hàng dự trữ trong năm 2021 để cung ứng cho thị trường tiêu dùng, trong bối cảnh ứng phó dịch bệnh COVID-19 diễn ra toàn cầu.

Chính vì vậy, để vượt qua những khó khăn khách quan, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều đã tìm kiếm thị trường thay thế cho những thị trường biến động.

Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, chia sẻ các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều cũng đã linh động tìm những thị trường nhỏ như các quốc gia châu Á, thay thế các thị trường biến động lớn là Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, dù những thị trường này có lượng tiêu thụ ít hơn, nhưng vẫn góp phần giữ ổn định xuất khẩu một phần nào đó so với sự sụt giảm của các thị trường lớn.

Bên cạnh đó, khai thác thị trường nội địa cũng là một giải pháp vượt qua khó khăn của các doanh nghiệp chế biến điều.

Ông Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc công ty Trách nhiệm Hữu hạn Hạt Điều Vàng, cho biết thị trường trong nước vẫn là một thị trường tiềm năng, có thể kích cầu tiêu thụ hạt điều để ổn định ngành điều.

Đặc biệt, hạt điều Việt Nam có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn so với hàm lượng dinh dưỡng có trong hạt điều nhập khẩu.

Vì vậy, Công ty Hạt điều Vàng vừa phải sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước để kích cầu tiêu dùng nội địa, tạo nên thói quen sử dụng hạt điều cho người tiêu dùng Việt Nam. Đây như là một giải pháp kích thích tiêu thụ hạt điều cho người Việt, góp phần quảng bá thêm cho hạt điều Việt đến những thị trường ngách, thị trường nhỏ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục