Khủng hoảng giữa Mỹ, Iran và Iraq: Sự kết thúc của luật quốc tế?

Mỹ cũng như Iran, đã gửi một bức thư tới Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để biện minh cho hoạt động phòng vệ hợp pháp theo Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc.
Khủng hoảng giữa Mỹ, Iran và Iraq: Sự kết thúc của luật quốc tế? ảnh 1Hàng nghìn người Iraq tuần hành tại trung tâm thủ đô Baghdad yêu cầu Mỹ rút quân khỏi nước này ngày 24/1/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Olivier Corten, giáo sư về luật quốc tế tại Đại học Tự do Brussels, mới đây đã có bài viết về cuộc khủng hoảng Mỹ-Iran trên trang mạng Theconversation.com, với nhan đề “Khủng hoảng giữa Mỹ, Iran và Iraq: Sự kết thúc của luật quốc tế?”

Nội dung bài viết như sau:

Kể từ hàng chục ngày qua, xung đột tiềm tàng giữa Mỹ và Iran đã leo thang căng thẳng đáng lo ngại, với cuộc không kích ngày 3/1 dẫn tới cái chết của một quan chức chế độ Iran, Tướng Qasem Soleimani, rồi một cuộc tấn công quân sự ngày 8/1 nhằm vào 2 căn cứ quân sự của quân đội Mỹ tại Iraq.

Cho tới thời điểm này, nhiều người lo ngại lò lửa xung đột của khu vực lại bùng phát với sự có mặt của lực lượng quân sự của hai bên tại đây.

Qua sự kiện này, dư luận đang trông đợi sự lên tiếng, nếu như không muốn nói là những chỉ trích mạnh mẽ, của các chuyên gia luật quốc tế về những hành động vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế này, như Mary Ellen O’Connell của Đại học Notre-Dame, Marko Milanovic của Đại học Nottingham hay Ralph Wilde của Đại học Collge London…

[Mỹ ngừng cấp thị thực cho các doanh nhân và nhà đầu tư Iran]

Trong khi đó, Mỹ cũng như Iran, đã gửi một bức thư tới Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để biện minh cho hoạt động phòng vệ hợp pháp theo Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc.

Những lý lẽ này liệu có căn cứ? Hay có thể nói những lý lẽ này đang che đậy cho một chính sách dựa trên sức mạnh nhằm làm xói mòn Hiến chương Liên hợp quốc.

Về những lý lẽ của Mỹ…

Trong thư ngày 8/1, Mỹ tố cáo “một loạt các cuộc tấn công” do Iran tiến hành trước đó và khẳng định họ có cơ sở để phản công nhằm “răn đe."

Phương diện thuần túy phòng ngừa của vụ “tiêu diệt” Solemani, nhân vật mà phía Mỹ khẳng định đã lên kế hoạch cho các hành động quân sự nhằm vào Mỹ, đã bị nhiều chuyên gia về luật quốc tế tố cáo là thiếu các bằng chứng biện minh cho hành động bạo lực này và thiếu cơ sở pháp lý.

Do thiếu tính pháp chế nên “cuộc chiến tranh” hay “sự phòng vệ phòng ngừa chính đáng” đã bị đa số các quốc gia trên thế giới lên án mạnh mẽ, đặc biệt là cuộc tấn công Iraq năm 2003.

Đối với các cuộc tấn công của Iran trước đó do Mỹ tố cáo, nếu xem xét kỹ sẽ thấy ít có sự tranh cãi.

Vụ tấn công vào sứ quán Mỹ ngày 31/12/2019 tại Baghdad (không có người chết và bị thương trong số các nhà ngoại giao của Mỹ) và các cuộc tấn công du kích của Iran ngày 27/12 nhằm vào các căn cứ quân sự (4 lính Mỹ bị thương), theo Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc, dường như chưa đạt tới ngưỡng “tấn công quân sự,” nên không đủ điều kiện để phát động hoạt động phòng vệ chính đáng.

Theo pháp chế hiện nay, khái niệm này cần phải được hiểu tương đối chặt chẽ, chính xác, để tránh những cuộc tranh cãi để dẫn tới gây chiến.

Có thể thấy hiện nay chúng ta đang đứng trước một trong những hình thức nguy hại nhất của việc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Chính quyền Trump tiếp tục dựa vào các vụ rắc rối trước đó như vụ bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ tháng 6/2019 tại không phận của Iran (theo Iran) hay không phận quốc tế (theo Mỹ), hoặc vụ va chạm với các tàu của nhiều quốc gia tại vùng Vịnh.

Tuy nhiên, một lần nữa những hành động này là hành động riêng lẻ (tất cả không phải nhằm vào Mỹ, điều này khiến Mỹ khó có cớ để tiến hành phòng vệ chính đáng), theo đó khó có thể được coi là một hành động tấn công vũ trang.

Chúng ta nhớ rằng vào đầu những năm 2000, Tòa án quốc tế đã phải công bố về một loạt vụ việc xảy ra tại Vịnh Arab-Persia.

Một loạt vụ việc đó đã được Mỹ viện cớ để ném bom các giếng dầu của Iran với lý do là phòng vệ hợp pháp.

Nếu tham khảo các sự kiện vừa xảy ra, vấn đề “phòng vệ chính đáng” thật khó có lý do để tiến hành đối với Iran.

... và lập luận của Iran

Vậy liệu Iran có quyền đáp trả bằng việc tấn công các căn cứ của Mỹ tại Iraq ngày 8/1? Hẳn là người ta có thể cho rằng vụ không kích dẫn tới cái chết của Tướng Soleimani, một trong những quan chức quân sự cấp cao nhất của nhà nước Iran, là đủ để tới ngưỡng của một cuộc tấn công quân sự.

Tuy nhiên, nhìn mọi lẽ, không gì có thể biện minh cho hành động ném bom vào một quốc gia như Iraq, vốn không đồng ý với các hoạt động tấn công của Iran cũng như các hành động quân sự của Mỹ.

Ở đây chúng ta đề cập tới một trong những vấn đề gai góc nhất mà những sự kiện này nêu lên.

Khủng hoảng giữa Mỹ, Iran và Iraq: Sự kết thúc của luật quốc tế? ảnh 2Xe ôtô trong đoàn xe chở hai chỉ huy quân sự cấp cao của Iran và Iraq bốc cháy sau vụ không kích do Mỹ tiến hành tại sân bay quốc tế thủ đô Baghdad, Iraq, ngày 3/1/2020. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Hai quốc gia trong thế xung đột, hành xử như họ có đủ tư cách sử dụng lãnh thổ Iraq làm chiến trường của mình, bằng việc nhiều lần ném bom vào nước này.

Vậy mà, để quân đội Mỹ hay Iran nhằm vào Iraq để tấn công, theo luật quốc tế, cần phải chỉ ra rằng Iraq có liên quan trực tiếp tới các cuộc tấn công của Iran chống lại Mỹ hoặc ngược lại. Và việc này khó có thể thực hiện được trước sự phản đối của Iraq và cả Mỹ và Iran đều không nêu vấn đề này trong thư gửi tới Liên hợp quốc.

Trong bối cảnh hiện nay, một số học giả đã cảnh báo về “cái chết của Luật quốc tế,” khi mà các quốc gia tự do tiến hành các hoạt động quân sự trên lãnh thổ của các quốc gia có chủ quyền mà không cần biện minh cho hành động của mình.

Trong tương lai, nếu tiền lệ này tiếp tục tái diễn (chỉ cần nghĩ tới các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào người Kurd ở Syria hay Iraq chẳng hạn), thì hệ thống luật quốc tế được xây dựng năm 1945 sẽ trở nên lỗi thời trong việc ngăn chặn các nguy cơ từ một Chiến tranh thế giới thứ ba./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục