Khủng hoảng hạt nhân Iran: Tehran sẵn sàng 'chơi' tới cùng?

Cả Mỹ và Iran đều đang đi trên sợi dây mỏng manh trong cuộc chiến “bên miệng hố hạt nhân,” nhưng có vẻ như Iran đã tính toán chấp nhận rủi ro sẵn sàng chờ Mỹ hoặc Israel tấn công.
Khủng hoảng hạt nhân Iran: Tehran sẵn sàng 'chơi' tới cùng? ảnh 1Kỹ thuật viên kiểm tra các thiết bị tại cơ sở làm giàu urani Isfahan, Iran. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng Stratfor đưa tin Iran đã tiến thêm một bước khi tuyên bố tái khởi động chương trình hạt nhân.

Tuy nhiên, mục đích của Tehran không hẳn là nhằm phát triển vũ khí hạt nhân, mà thực chất là để tạo thế cân bằng cho mình và yêu cầu gỡ bỏ một phần lệnh trừng phạt mà Mỹ đang áp đặt đối với Iran.

Nhiều khả năng Iran sẽ chấp nhận rủi ro, “chơi” tới cùng, kể cả phải quyết một bước đi định mệnh là phát triển vũ khí hạt nhân.

Khác với Triều Tiên, nhà nước Iran không phải là mô hình có thể tồn tại và vận hành khi bị cô lập hoàn toàn, cho nên khi bị trừng phạt kinh tế, Tehran lao đao hơn rất nhiều so với Bình Nhưỡng.

Tham vọng của Iran

Trước đây, Iran đã không đi tới cùng trong việc chế tạo bom hạt nhân, mặc dù chiến lược của nước này luôn nhất quán là không bao giờ loại trừ hoàn toàn khả năng chế tạo bom. Và giờ đây, hiển nhiên Tehran sẽ tiến hành trở lại các hoạt động nhằm chuẩn bị cho việc có thể chế tạo bom nguyên tử nếu cần.

Cả Mỹ và Iran đều đang đi trên sợi dây mỏng manh trong cuộc chiến “bên miệng hố hạt nhân,” nhưng có vẻ như Iran đã tính toán chấp nhận rủi ro sẵn sàng chờ Mỹ hoặc Israel tấn công.

[Hải quân Iran có thể đối mặt với hệ thống laser mới của Mỹ?]

Một lần nữa, cả Mỹ và Iran đều thấy mình ở vị trí nhiều rủi ro chẳng khác gì đối phương trong trò chơi chiến lược “ai là gà” xung quanh vấn đề hạt nhân.

Tuần vừa qua, Iran tuyên bố bắt đầu làm giàu urani ở mức độ tinh khiết 5%, cao hơn mức giới hạn 3,67% theo quy định của thỏa thuận hạt nhân lịch sử, được biết đến là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) mà Tehran đã ký với Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) hồi tháng 7/2015.

Iran cũng tuyên bố có thể sẽ tăng mức làm giàu urani lên 20% và như vậy sẽ rút ngắn được thời gian cần thiết để tạo ra bước đột phá hạt nhân, hay nói cách khác là thời khắc khi một nước có đủ vật liệu nhiệt hạch chế tạo ra bom nguyên tử.

Mặc dù việc mở rộng các hoạt động hạt nhân chắc chắn làm gia tăng khả năng đối đầu quân sự với Mỹ hay ít nhất cũng khiến các cơ sở chế tạo hạt nhân của Iran có thể bị Mỹ tấn công cục bộ, Iran đã có mục tiêu dài hạn rất rõ ràng, đó là bắt đầu đàm phán lại với Mỹ để cuối cùng có thể đạt được thỏa thuận gỡ bỏ các lệnh trừng phạt trong khi vẫn có thể đảm bảo được an ninh quốc gia của mình.

Thế nhưng, với bộ máy chính quyền Nhà Trắng quá “diều hâu” (hiếu chiến), chiến lược đó của Iran có thể mang lại nhiều rủi ro, thậm chí vào lúc này chỉ có xung đột leo thang mới có thể là chiến lược duy nhất giúp Iran có được những gì mong muốn.

Xưa nay, Tehran luôn tự thấy mình là bá chủ trong khu vực và muốn mở rộng tầm ảnh hưởng của mình ra xung quanh. Quan điểm này không phát triển lắm dưới thời chế độ Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Iran có thể khoe khoang nền kinh tế lớn của mình và dân số Iran cũng là đông nhất Tây Á, song sức mạnh quân sự của nước này khá hạn chế.

Trước cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, tình hình an ninh của Iran dựa chủ yếu vào mối quan hệ đối tác an ninh với Mỹ để mua vũ khí, thiết bị quân sự và đào tạo quân sự.

Thế nhưng, do xu hướng bài Mỹ thời cách mạng năm 1979, Washington đã cắt đứt quan hệ với Tehran và áp lệnh cấm vận vũ khí đối với nước này, khiến cho Iran bị lạc hậu về quân sự so với các nước trong khu vực tới vài thập kỷ nếu không muốn nói là khả năng quân sự của Iran ở mức khá thất vọng.

Hơn nữa, hai nước láng giềng của Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia lại được Mỹ hậu thuẫn và coi Iran là đối thủ trong khu vực, cho nên liên tục tìm cách để buộc Iran phải rớt ra khỏi cuộc chơi tranh giành ảnh hưởng ở Trung Đông.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi Iran đã nỗ lực bù lại những hạn chế về khả năng quân sự truyền thống của mình thông qua chiến lược an ninh và phòng thủ.

Về mặt quân sự, điều này có nghĩa là Iran hậu thuẫn cả người Sunni và Shiite trong khu vực, chẳng hạn như các nhóm quân sự Hamas và Hezbollah, vốn là các lực lượng luôn gây chiến với đồng minh lớn nhất của Mỹ trong khu vực là Israel.

Điều đó cũng có nghĩa là Tehran trực tiếp đào tạo chiến binh và ủng hộ nhiều thứ khác cho một số lực lượng ở Iraq. Hơn nữa, điều này cũng giải thích vì sao Iran đầu tư rất nhiều vào tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, chiến tranh mạng và các phương thức sử dụng thủy lôi nhằm tấn công các tàu đi qua Eo biển Hormuz.

Cuối cùng, bằng những hành động như vậy, Iran muốn gia tăng ưu thế chiến lược cho mình, buộc các đối thủ trong khu vực cũng như Mỹ phải trả giá nhiều hơn nếu có ý định tấn công quân sự Iran.

Tất nhiên, một chiến lược an ninh như vậy sẽ dẫn tới tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân và xây dựng kho vũ khí. Tuy nhiên, muốn làm vậy, Iran sẽ phải cân nhắc cả những yếu tố lợi và hại.

Trên thực tế, mặc dù Iran đã sở hữu chương trình vũ khí hạt nhân trong quá khứ và chương trình này chấm dứt vào năm 2003, những động thái của Iran cho thấy họ không thực sự sẵn sàng phát triển vũ khí hạt nhân bằng mọi giá và sẵn sàng chấp nhận những rủi ro đi kèm, ít nhất là khi so với Triều Tiên.

Những hạn chế về kinh tế, chính trị

Kể từ khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân JCPOA vào tháng 5/2018, Iran đã khởi động lại các hoạt động liên quan tới chương trình hạt nhân mà trước đó họ đã ngừng.

Ví dụ ngày 4/6/2018, Đại giáo chủ Ali Khamenei ra lệnh Iran tăng khả năng làm giàu urani và Iran cũng thông báo với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về kế hoạch sản xuất uranium hexafluoride (hợp chất sử dụng trong quá trình làm giàu urani). Ngày 27/6/2018, Iran mở lại cơ sở chuyển đổi urani Isfahan.

Tiếp đó, ngày 18/7/2018, Iran thông báo đã xây dựng nhà máy chế tạo trục quay máy ly tâm để làm giàu urani trong tương lai.

Các hoạt động nhằm chuẩn bị khởi động lại chương trình hạt nhân đã được Iran tuyên bố và tiến hành liên tục trong một năm qua khiến Mỹ đã 4 lần đưa ra các lệnh trừng phạt Iran trong khoảng thời gian này.

Bắt đầu bằng việc áp trở lại các lệnh trừng phạt kinh tế đã được gỡ bỏ trước đây đối với Iran vào ngày 7/8/2018, tính tới ngày 3/5/2019, Mỹ đã cấm tất cả các nước trên thế giới nhập dầu của Iran.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tuyên bố không gia hạn hai lệnh miễn trừ cho phép Iran đổi urani làm giàu lấy bột cô đặc urani (yeallow cake) với Nga và xuất khẩu nước nặng tới Oman.

Một trong những đối sách có thể thực hiện, Iran và Trung Quốc hiện đang hợp tác chỉnh sửa lò phản ứng nước nặng Arak để đảm bảo không sản xuất plutonium ở cấp độ sản xuất vũ khí, bên cạnh việc lắp đặt thêm và sử dụng các trục quay máy ly tâm hiện đại hơn.

Ngoài ra, Iran cũng cố gắng hạn chế các thanh sát viên của IAEA tiếp cận các khu vực nhạy cảm.

Đối với Iran, việc theo đuổi chiến lược hạt nhân tới cùng, tức là phát triển vũ khí hạt nhân, sẽ đi kèm với việc phải đánh đổi và trả giá bằng kinh tế do bị áp đặt các lệnh trừng phạt.

Khác với Triều Tiên, Iran không phải là mô hình nhà nước có thể vận hành khi bị hoàn toàn cô lập trong thời gian dài.

Thứ nhất, hệ thống chính trị của Iran cho phép người dân được bày tỏ sự không hài lòng với chính phủ, một yếu tố có thể nói là mang tính định hình chính sách.

Trong vấn đề này, Tehran không có cơ chế an ninh có thể kiểm soát và hạn chế những quan điểm bất đồng của người dân trong nước như cách Bình Nhưỡng hiện đang làm.

Hơn nữa, Triều Tiên là một nước nhỏ được khá nhiều quốc gia như Trung Quốc, Nga và Nhật Bản che chắn, và Triều Tiên cũng không có nhu cầu gia tăng ảnh hưởng của mình ra khu vực giống như tham vọng của Iran.

Không có những “anh cả hàng xóm” đồng nghĩa với việc Iran không có được sự bảo vệ cần thiết để có thể né được phần nào những ảnh hưởng do lệnh trừng phạt của Mỹ gây ra, như cách mà Triều Tiên vẫn dựa vào Trung Quốc.

Nhưng có lẽ quan trọng hơn cả là nền kinh tế của Iran phụ thuộc rất nhiều vào thương mại quốc tế. Ngành xuất khẩu dầu của nước này là nguồn thu ngoại tệ thiết yếu mà Iran cần có để nhập tới một nửa nhu cầu lương thực, thực phẩm của mình cũng như nhập nhiều sản phẩm công nghiệp không sản xuất được trong nước.

Nhìn từ quan điểm chiến thuật, chiến lược của Mỹ nhằm đè bẹp kinh tế Iran bằng các lệnh cấm vận đang phát huy tác dụng. Iran đang đối mặt với sự suy giảm kinh tế tới 6%.

Và lạm phát - vấn đề mà Tổng thống Iran Hassan Rouhani trước đó tuyên bố kiểm soát được - hiện đang phi mã ở mức 50%.

Tuy nhiên, những lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ đang áp dụng hiện nay chưa tới mức gây ra khủng hoảng kinh tế khiến người dân đổ ra đường biểu tình đòi thay đổi chế độ cho nên chính quyền Tehran cảm thấy vẫn còn thời gian để co giãn tình hình trước mắt.

Tehran vẫn biết rằng cần phải đối thoại với Mỹ hoặc gây sức ép với các nước khác tới mức có thể ra được những cơ chế mà từ đó đưa nước này thoát ra khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Hiện nay, viễn cảnh hợp tác với Washington có vẻ không còn khả thi bởi phe “diều hâu” trong chính quyền của ông Trump vẫn đang kêu gọi tấn công Iran.

Chiến lược của Tehran

Trên thực tế, ngay sau khi Mỹ rút bỏ thỏa thuận hạt nhân vào tháng 5/2018, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đưa ra 12 điều kiện cần đạt được để Mỹ chấm dứt trừng phạt kinh tế Iran, bao gồm yêu cầu Tehran từ bỏ hẳn chương trình hạt nhân và thay đổi tận gốc chiến lược khu vực của mình cùng một số biện pháp khác.

Nếu nhìn từ quan điểm của Iran, các yêu cầu của Washington không khác gì yêu cầu Iran thay đổi chế độ. Hơn nữa, mặc dù đa số các ứng cử viên Tổng thống Mỹ thuộc phe đảng Dân chủ đều hứa hẹn sẽ đưa Mỹ trở lại thỏa thuận hạt nhân 2015 nếu trúng cử, Thượng viện Mỹ giờ đây vẫn nằm trong tay phe Cộng hòa - những người luôn muốn đối đầu với Iran.

Bằng việc đơn phương giảm bớt các cam kết của mình trong thỏa thuận hạt nhân và trở lại với chiến lược thách thức giống như thời Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, chiến lược hiện nay của Tehran gồm 2 phần.

Đầu tiên, Iran hy vọng hối thúc Liên minh châu Âu (EU) nhanh chóng đưa ra một cơ chế đảm bảo cho thương mại của Iran hoặc khiến Mỹ phải cho phép miễn trừ trừng phạt với một số nước mua dầu của Iran.

Sau đó, Iran sẽ tạo dần lợi thế của mình và chắc chắn sẽ đàm phán với Washington về chương trình hạt nhân hoặc các vấn đề khác.

Bằng thông điệp sẵn sàng đối đầu với Mỹ, Iran muốn tìm cách giảm bớt các yêu sách của phía Mỹ và tạo cho mình thế đàm phán đỡ bất lợi hơn, và như vậy các nhà lãnh đạo Iran mới có thể còn đủ chỗ để nhượng bộ trong quá trình đàm phán trong khi vẫn giảm bớt được một phần lệnh trừng phạt và bảo toàn một số mục tiêu thiết yếu như tiếp tục hậu thuẫn các lực lượng quân sự trong khu vực và duy trì chương trình tên lửa đạn đạo của mình.

Trên thực tế, Iran đã khá thành công với chiến lược như vậy từ hồi chưa ký thỏa thuận hạt nhân 2015, bởi nước này đã chi phối được chính quyền của ông Obama để thỏa thuận hạt nhân chỉ tập trung vào chương trình hạt nhân và hoàn toàn không đề cập hay thảo luận gì về tên lửa đạn đạo.

Vì vậy, thỏa thuận hạt nhân 2015 đã cho phép Iran duy trì lượng urani làm giàu ở mức hạn chế và xóa bỏ lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc đối với Tehran để đổi lại việc Iran cho phép các cơ quan quốc tế giám sát chặt chẽ hoạt động hạt nhân của mình.

Với Iran, thậm chí hiện nay vẫn có những tín hiệu cho thấy chiến lược của họ (nhất là khi đối chiếu với những hành động hiếu chiến ở Vịnh Ba Tư và Vịnh Oman) là muốn hợp tác với ông Trump, kể cả khi không thể hợp tác được với tất cả các cố vấn của ông chủ Nhà rắng.

Đáng lưu ý là hiện nay Ngoại trưởng Pompeo và Tổng thống Trump không còn yêu cầu Iran phải tuân thủ 12 điều kiện mà phía Mỹ đưa ra hồi năm ngoái nữa.

Trong các tuyên bố của mình, ông Trump giờ chỉ yêu cầu Iran không phát triển vũ khí hạt nhân. Tất nhiên, yêu cầu vẫn có thể bị thay đổi một khi đàm phán chính thức bắt đầu, nhất là khi có sự góp mặt của các nhân vật của phía Mỹ như Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, chưa kể việc Iran còn phải chuẩn bị tinh thần cho nhiều cuộc đàm phán nữa nếu ông Trump trúng cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ hai.

Khả năng Mỹ tấn công Iran

Mặc dù vậy, nguy cơ Mỹ tấn công quân sự Iran vẫn còn đó, nhất là khi Nhà Trắng hiện có quá nhiều nhân vật “diều hâu” luôn ủng hộ giải pháp quân sự với Iran.

Nhưng những hành động của Iran, cả trong chương trình hạt nhân và qua các vụ tấn công tàu chở dầu và tấn công máy bay không người lái của Mỹ trong vòng hai tháng qua, đã cho thấy Iran sẵn sàng chấp nhận rủi ro.

Mặt khác, tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran có thể lại khiến chính quyền Iran nhận được sự ủng hộ của chính dân chúng nước này, bởi chính quyền Iran hoàn toàn có thể chơi con bài “chủ nghĩa dân tộc” khi đối mặt với sức ép kinh tế.

Trong cuộc đối đầu với Mỹ, Iran sẽ tối đa hóa lợi thế của mình và tiến gần tới việc tạo ra đột phá hạt nhân. Để sản xuất được vũ khí hạt nhân, Tehran có thể theo hai quy trình, đó là theo đuổi làm giàu urani hoặc plutonium. Làm giàu urani sẽ dễ hơn với Iran. Để chế tạo bom hạt nhân, Iran sẽ cần sản xuất khoảng 25 kg urani cấp độ sản xuất vũ khi với mức độ làm giàu ít nhất 90%.

Thỏa thuận hạt nhân 2015 được thiết kế để ngăn chặn quy trình này bằng cách chỉ cho phép Iran làm giàu urani ở mức 3,67% (đủ dùng trong các nhà máy điện hạt nhân) và hạn chế mức dự trữ tối đa 300kg.

Tuy nhiên, ngày 1/7 vừa qua, Iran đã tuyên bố trữ lượng urani làm giàu của họ bắt đầu vượt quá giới hạn mà JCPOA cho phép. Sau đó 7 ngày, Iran lại tuyên bố sẽ làm giàu urani ở mức 5%.

Thỏa thuận hạt nhân cũng hạn chế số trục quay ly tâm mà Iran được sử dụng và chỉ được dùng những loại đã lạc hậu.

Thỏa thuận nêu rõ Iran chỉ được dùng 6.104 trục quay ly tâm loại IR-1, không được dùng loại hiện đại hơn như IR-2m, IR-4 hay IR-6, vốn là những loại trục quay ly tâm có thể làm giàu urani hiệu quả hơn rất nhiều.

Cho tới nay, Iran vẫn chưa tuyên bố sẽ lắp đặt thêm các máy trục quay ly tâm hay sử dụng loại hiện đại hơn trong tương lai nhưng cũng đã đe dọa tăng mức làm giàu urani lên 20% là mức độ đủ để chế tạo vũ khí.

Trước khi gia nhập thỏa thuận hạt nhân, Iran đã làm giàu urani ở mức độ tinh khiết 20% (cứ 250kg urani làm giàu thì đủ để sản xuất 25kg urani cấp độ sản xuất vũ khí).

Làm giàu plutoni có thể khó hơn đối với Iran. Plutoni được sản xuất bằng urani tự nhiên trong lò phản ứng nước nặng, dùng năng lượng đã được tiêu hao và chiết xuất lấy phần thanh khiết của urani qua tái chế, nhưng JCPOA (bao gồm rất nhiều biện pháp toàn diện) yêu cầu các cơ sở và phương tiện cần thiết để sản xuất plutoni phải được tháo dỡ.

Khủng hoảng hạt nhân Iran: Tehran sẵn sàng 'chơi' tới cùng? ảnh 2Một cơ sở làm giàu urani tại Isfahan, Iran. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Lò phản ứng nước nặng Arak của Iran đáng ra có thể sản xuất plutoni đủ chế tạo một quả bom mỗi năm nhưng theo thỏa thuận hạt nhân JCPOA, Iran đã đồng ý chỉnh sửa thiết kế của lò phản ứng này để trở thành lò phản ứng nước nhẹ và sản xuất được lượng plutoni ít hơn nhiều và như vậy Iran sẽ phải mất rất nhiều năm mới có thể tích lũy đủ lượng plutoni cần thiết để có thể sản xuất được một quả bom hạt nhân.

Iran cũng đã đồng ý đổ xi-măng vào phần chính của lò phản ứng để lò không hoạt động được nữa.

Nhưng trong bối cảnh gia tăng căng thẳng hiện nay, Iran đe dọa sẽ chỉnh lại thiết kế lò phản ứng Arak về thiết kế ban đầu, mặc dù đến nay Tehran vẫn chưa tiến hành việc này.

Và dù đã bắt đầu tích trữ nước nặng vượt ngưỡng giới hạn cho phép, Iran sẽ cần phải nghiên cứu thêm về tái chế và có sự hỗ trợ thêm của nhân tố bên ngoài cũng như xây dựng các cơ sở liên quan nếu muốn theo đuổi sản xuất plutoni nhằm mục đích chế tạo bom nguyên tử.

Trong 15 năm qua, Iran đã tránh theo đuổi chương trình hạt nhân nhằm mục đích quân sự, tuy nhiên, công nghệ mà Iran đang sử dụng là loại công nghệ kép trong khi nước này đang tiến tới những bước nhằm tạo ra đột phá hạt nhân vào thời điểm thích hợp.

Tuy nhiên, JCPOA đã khiến lộ trình này bị chậm lại, có nghĩa là Iran cần ít nhất từ 1-2 năm mới có đủ nguyên liệu để tiến hành thử hạt nhân.

Hơn nữa, nếu Iran định kiếm đủ nguyên liệu để thử một cách bí mật thì Tehran sẽ phải bí mật phát triển một chuỗi cung hạt nhân hoàn chỉnh bởi cộng đồng quốc tế vẫn tiếp tục giám sát các cơ sở hạt nhân mà Iran đã công bố công khai theo điều kiện của JCPOA.

Rõ ràng, Iran đã tiến những bước cẩn trọng nhằm mục đích có thể phát triển vũ khí hạt nhân vào một ngày này nào đó,  nhưng khác với trước đây khi phải che giấu các hoạt động của mình, Iran giờ công bố một cách minh bạch ý định của mình với thế giới.

Bằng cách làm như vậy, Iran hy vọng sẽ có được thế của mình bởi thông điệp của họ với thế giới rõ ràng rằng họ không có ý định phát triển vũ khí một cách giấu giếm, bí mật.

Không chấp nhận đàm phán với châu Âu và Mỹ nếu không bớt một phần các lệnh trừng phạt, nhiều khả năng Iran muốn tiếp tục chiến lược “gà nào thắng” một cách lâu dài. Cuối cùng, câu hỏi chính giờ đây là liệu chính quyền của ông Trump có sẵn sàng chấp nhận những hành động của Iran hay sẽ tấn công lại?

Iran đã chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản bị Mỹ tấn công. Nhưng tấn công như vậy cuối cùng lại châm ngòi cho một cuộc xung đột quy mô rộng hơn ở Trung Đông và lôi kéo thêm nhiều nước xung quanh vào cuộc chiến và cuối cùng, điều đó sẽ khiến Iran thấy rằng họ phải quyết một bước đi định mệnh là phát triển vũ khí hạt nhân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục