Khủng hoảng kinh tế có thể tăng lao động trẻ em

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) bày tỏ quan ngại trước nguy cơ ngày càng nhiều trẻ em trên thế giới, đặc biệt là các em gái, bị buộc tham gia lao động do tình hình kinh tế khó khăn hiện nay.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) bày tỏ quan ngại trước nguy cơ ngày càng nhiều trẻ em trên thế giới, đặc biệt là các em gái, bị buộc tham gia lao động do tình hình kinh tế khó khăn hiện nay.

Báo cáo của ILO đăng trên tờ "Thế giới" ra ngày 10/6, với tựa đề "Hãy cho các em gái một cơ hội: chống lại lao động trẻ em, chìa khóa cho tương lai", cho thấy tình hình đặc biệt lo ngại vì "cùng với sự gia tăng số hộ gia đình lâm vào cảnh nghèo khó, cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế sẽ tiếp tục lấn át những tiến bộ đạt được trong những năm qua. Số trẻ em bị buộc tham gia lao động hiện đã lên tới 218 triệu em.

ILO cho rằng khoảng 100 triệu em gái trên thế giới, hiện bị buộc phải lao động thay vì đến trường, có thể là những người chịu thiệt thòi nhất trong cuộc khủng hoảng kinh tế.

Để minh chứng cho báo cáo, ILO đã nêu lên hiện tượng các gia đình, mà kinh tế trở nên khó khăn do khủng hoảng, thường ưu tiên cho con trai đến trường hơn là con gái, nhất là ở những vùng còn thịnh hành quan niệm "trọng nam khinh nữ".

ILO cũng tỏ ra quan ngại về tình trạng cắt giảm ngân sách giáo dục của các chính phủ. Theo ILO, trên thực tế, nhiều bé gái ít hoặc không được tiếp cận với giáo dục và phải làm việc trong các điều kiện rất nguy hiểm cho sức khỏe và phẩm hạnh, trong đó có những công việc dễ bị tổn thương vì ít có sự kiểm soát như giúp việc gia đình.

Báo cáo của ILO cũng cho biết hiện có khoảng 1,8 triệu em, chủ yếu là các em gái, là nạn nhân của tình trạng bóc lột tình dục.

ILO kêu gọi các chính phủ thể hiện quyết tâm cao hơn trong cuộc chiến chống lại thực trạng này, triển khai các chính sách khuyến khích giáo dục, đặc biệt hướng tới đối tượng phụ nữ.

Theo ILO, để đạt được mục tiêu này đòi hỏi nỗ lực to lớn, vì phụ nữ hiện chiếm tới 2/3 trong tổng số 16% dân số thế giới không biết đọc, biết viết; tỷ lệ trẻ em gái lên tới 55% trong số 75 triệu trẻ em không được đến trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục