Khủng hoảng nguồn cung khiến giá khí đốt tại châu Âu lập kỷ lục mới

Do cuộc khủng hoảng nguồn cung ngày càng leo thang, giá khí đốt giao tháng 11/2021 tại châu Âu đã tăng 23% lên 117 euro/MWh, so với chỉ 15 euro cách đây 6 tháng.
Khủng hoảng nguồn cung khiến giá khí đốt tại châu Âu lập kỷ lục mới ảnh 1Hệ thống đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy Balkan" ở Serbia. (Ảnh: IBNA/TTXVN)

Cuộc khủng hoảng nguồn cung ngày càng leo thang tại châu Âu khiến giá khí đốt tự nhiên đạt kỷ lục mới vào ngày 5/10, gây quan ngại về an ninh nhiên liệu vào mùa Đông năm nay tại châu lục này.

Giá khí đốt giao tháng 11/2021 tại châu Âu đã tăng 23% lên 117 euro/MWh, so với chỉ 15 euro cách đây 6 tháng.

Với đợt tăng giá mới nhất này, khí đốt tự nhiên hiện đang giao dịch ở mức tương đương hơn 200 USD/thùng dầu.

Trước đó một ngày, giá khí đốt tại Anh cũng tăng mạnh lên 2,52 bảng Anh/therm (đơn vị nhiệt) và đã tăng gấp ba lần trong hai tháng qua. Giá khí đốt giao tháng 11/2021 của Anh cũng lần đầu tiên vượt ngưỡng 3 bảng/therm.

[EU lên kế hoạch thiết lập kho dự trữ khí đốt chiến lược]

Giá khí đốt tăng cao do nhu cầu tăng mạnh khi các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19. Nhu cầu tăng vào đúng thời điểm lượng dự trữ khí đốt của châu Âu thấp hơn bình thường khi bước vào mùa Đông - thời kỳ nhu cầu đạt mức đỉnh.

Thêm vào đó, Nga, nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất châu lục, đã hạn chế nguồn cung trong khi sản lượng nội địa ở châu Âu giảm mạnh trong năm nay.

Ngoài ra, nhu cầu gia tăng ở châu Á cũng khiến một lượng lớn khí tự nhiên hóa lỏng (NLG) từ Anh và châu Âu được xuất sang châu lục này vào mùa Hè năm nay trong bối cảnh Trung Quốc đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng.

Giá khí đốt tăng mạnh trong những ngày gần đây khi những công ty lớn ở châu Âu và Trung Quốc chạy đua để đảm bảo nguồn cung trước mùa Đông. Trung Quốc đã yêu cầu các công ty năng lượng thu mua lượng than và LNG cần thiết mà không cần so đo giá cả.

Các nhà giao dịch và phân tích cảnh báo thị trường châu Âu có thể tiếp tục bị thắt chặt trong mùa Đông nếu thời tiết lạnh hơn bình thường.

Bà Elena Anankina, chuyên gia phân tích tín dụng của tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings (Mỹ), cho biết, với tình trạng chênh lệch cung cầu hiện tại, không hy vọng sẽ sớm tìm được một giải pháp lâu dài, bởi sự phụ thuộc của châu Âu vào nhập khẩu là một trong những nguyên nhân gây nên áp lực nguồn cung.

Tình trạng thiếu khí đốt ở châu Âu đã khiến 10 công ty cung cấp năng lượng ở Anh phá sản kể từ đầu tháng Tám, buộc hàng triệu khách hàng phải chuyển sang các nhà cung cấp khác.

Cuộc khủng hoảng khí đốt cũng khiến các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng lao đao. Với khí tự nhiên là nguyên liệu chính, nhiều nhà sản xuất phân bón đã phải đóng cửa nhà máy hoặc hạn chế sản lượng.

Mặt khác, giá khí đốt tăng một phần cũng do tác động của thị trường dầu mỏ. Một số doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng hiện đang  chuyển từ nhiên liệu khí đốt sang nhiên liệu lỏng.

Ông Amin Nasser, người đứng đầu Tập đoàn dầu khí nhà nước Aramco của Saudi Arabia ngày 4/10 cho biết việc chuyển sang sử dụng dầu mỏ thay vì khí đốt đã đẩy nhu cầu dầu mỏ tăng thêm 500.000 thùng/ngày trên toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục