Ký ức về chiến tranh Việt Nam vẫn ám ảnh nhiều cựu binh Mỹ

Nhiều cựu binh Mỹ đã quay trở lại Việt Nam sau chiến tranh và cũng rất nhiều người chưa một lần dám quay trở lại vì không thể vượt qua được những ký ức kinh hoàng của một cuộc chiến phi nghĩa.
Ký ức về chiến tranh Việt Nam vẫn ám ảnh nhiều cựu binh Mỹ ảnh 1Người Mỹ rời khỏi Việt Nam bằng máy bay trực thăng trên nóc một tòa nhà cách sứ quán Mỹ ở Sài Gòn 500m, ngày 29/4/1975. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

Đã 45 năm trôi qua kể từ ngày cuộc chiến của người Mỹ trên đất nước Việt Nam kết thúc, thế nhưng với nhiều cựu chiến binh Mỹ sống sót trở về, dường như những ám ảnh về cuộc chiến ở đất nước Đông Nam Á nhỏ bé vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai.

Nhiều cựu binh Mỹ đã quay trở lại Việt Nam sau chiến tranh và cũng rất nhiều người chưa một lần dám quay trở lại vì không thể vượt qua được những ký ức kinh hoàng ngày ấy….

Có rất nhiều người trong số họ, suốt những năm qua, đã trở thành các cựu binh vì hòa bình, nỗ lực không mệt mỏi, cố gắng hàn gắn vết thương chiến tranh.

Những ngày này, lệnh phong tỏa vì đại dịch COVID -19 tại New York đã khiến cuộc hội ngộ của tôi với những người Mỹ phản chiến một thời đành lỡ dở và chuyển thành cuộc trò chuyện qua điện thoại, nhắc nhớ lại cuộc chiến không thể quên.

Khi nhắc đến ký ức chiến tranh Việt Nam, Doug Rawlings chưa bao giờ quên cái ngày định mệnh năm 1969 khi ông được gọi nhập ngũ và được đưa đến Việt Nam cho đến tháng 8/1970.

Sự bạo tàn của quân đội Mỹ lúc đó là điều ông mãi không thể quên…. Đánh đập, hãm hiếp, giết chóc….Có lẽ ông không thể và không muốn nói thêm về những ngày ấy mà thay vào đó cho tôi xem bài thơ do ông sáng tác “Unexploded Ordnance: A ballad” (tạm dịch: Quả bom không nổ - một khúc ca), một bài thơ ngập trong nỗi ám ảnh về những gì quân đội Mỹ đã gây ra đối với người dân Việt Nam, về sự quả báo “gieo gì gặt nấy” cho những gì họ đã làm ở Việt Nam.

Thế nhưng khi nhắc đến Hội Cựu chiến binh vì Hòa bình mà ông là một trong 5 thành viên sáng lập với mục đích xóa bỏ chiến tranh, xóa bỏ hận thù, giờ đã có 6.000-7.000 thành viên với khoảng 130 chi hội trên khắp nước Mỹ, dường như ông được giải tỏa phần nào.

Khi tôi hỏi ông muốn nói gì với người dân Việt Nam nhân 45 năm cuộc chiến của người Mỹ kết thúc ở Việt Nam ngày 30/4, ông tâm sự: “Lúc đó, tôi chỉ là một sinh viên 22 tuổi bị bắt đi lính. Đáng lẽ tôi phải chống đối không đi, nhưng chính tôi đã thiếu can đảm để chống lại điều đó. Tôi hối hận về quyết định đó vô cùng. Điều làm tôi đau đớn nhất chính là những đau thương chúng tôi đã gây ra cho trẻ em Việt Nam, không phải chỉ về thể xác, chỉ về tinh thần, mà cả về tâm lý nữa. Nỗi đau này thêm nhức nhối khi chính tôi có gia đình, có con và nuôi dạy con mình. Đó cũng chính là lý do vì sao tôi đã cùng sáng lập hội cựu chiến binh với mong muốn xóa bỏ hết chiến tranh.”

[Nữ y tá hải quân Mỹ rải truyền đơn chống chiến tranh Việt Nam]

Khác với Doug Rawlings, một cựu binh khác, Nick Mottern, lại là người từng tình nguyện sang chiến trường Việt Nam vào năm 1962.

Giờ đã ở tuổi 80, ông vẫn nói với tôi rành rọt qua điện thoại rằng dù chưa từng giết hại một mạng người nào trong 2 năm tại ngũ ở Sài Gòn vào năm 1962-1963, và một năm làm nhà báo cho tờ tiếng Anh Saigon Post vào năm 1964. Nhưng những gì nhìn thấy trong cuộc chiến khiến ông mãi không thể thôi day dứt và hổ thẹn.

Mặc dù là một thành viên trong Hội Cựu chiến binh vì Hòa bình tại New York đã lâu, đã rất tích cực tham gia nhiều hoạt động chống chiến tranh sau này, ông chưa một lần lựa chọn quay trở lại Việt Nam sau khi chiến tranh kết thúc.

“Bạn biết đấy, thời đó tôi tình nguyện tới Việt Nam bởi chịu ảnh hưởng rất nhiều từ những bộ phim Hollywood về người Mỹ anh hùng trong Thế chiến thứ Hai và chúng tôi cũng được 'nhồi' rất nhiều về Chiến tranh Lạnh nên sẵn sàng chấp nhận lời giải thích của Chính phủ Mỹ... Khi đó, tôi có biết gì về Việt Nam và lịch sử Việt Nam đâu.”

Đến lúc này, gần 60 năm sau, nhưng hình ảnh bom nổ, những hàng dài người chết nằm san sát trên cỏ, có những người còn rất rất trẻ… vẫn ám ảnh rõ mồn một trong tâm trí ông.

Khi trở về quê nhà Mỹ cuối năm 1964 và suốt năm 1965 sau đó, chính Nick Mottern đã tận mắt đối mặt với phong trào phản chiến lan rộng ở nước Mỹ với các cuộc biểu tình, tuần hành ở khắp nơi.

Tới lúc đó, chàng sinh viên ngành báo chí Nick Mottern của Đại học Columbia mới ngỡ ngàng nhận ra cuộc chiến mà ông đã tham gia không phải là "chính nghĩa" như những gì ông vẫn được tuyên truyền.

Từ đó đến nay, Nick Mottern đã dành phần lớn thời gian của mình cho các hoạt động phản chiến, mà gần đây nhất, ông là một trong những người mạnh mẽ phản đối kiểu chiến tranh tàng hình, không người lái của Mỹ (drone warfare).

“Tôi biết rất nhiều cựu binh Mỹ đã trở lại Việt Nam sau chiến tranh và tất cả đều rất hối hận vì những gì mình đã từng làm ở Việt Nam. Còn tôi vẫn không thể quay lại bởi nỗi hổ thẹn chính mình đã xin tình nguyện tham gia chiến tranh,” giọng ông trầm xuống khi nói với tôi.

“Tôi thực lòng không muốn phiền bất cứ người Việt Nam nào, dù chỉ một chút, phải mở lời nói với tôi, kể cả là để tha thứ cho tôi, bởi chính tôi đã thấy những gì người Mỹ chúng tôi đã làm đối với người dân Việt Nam là sự dã man, tàn bạo khủng khiếp không thể diễn tả nổi bằng lời.." Ông kết thúc cuộc nói chuyện bằng những lời buồn bã như thế. Nhưng rồi lại nói thêm rằng, ông rất muốn gặp tôi để nói vài câu khi lệnh phong tỏa COVID-19 của New York kết thúc.

Còn tôi, chợt nhớ lại câu ngạn ngữ: “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại,” như cách người Việt Nam chúng tôi đã "gác lại quá khứ, hướng tới tương lai"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục