Kỳ vọng khó đạt của Nhật về chính sách tuần làm việc 4 ngày

Một số chuyên gia đã bày tỏ nghi ngờ, cho rằng tình hình thực tế sẽ không dễ dàng phát triển như kỳ vọng của Chính phủ Nhật Bản về chính sách tuần làm việc 4 ngày.
Kỳ vọng khó đạt của Nhật về chính sách tuần làm việc 4 ngày ảnh 1Chính phủ Nhật Bản đang thúc đẩy kế hoạch một tuần làm việc bốn ngày. (Nguồn: Kyodo)

Khi đại dịch COVID-19 phá vỡ những suy nghĩ truyền thống về thói quen làm việc, Nhật Bản đang tìm cách thúc đẩy những cải cách đầy tham vọng cho thị trường lao động của mình.

Truyền thông trong nước mới đây đưa tin Chính phủ Nhật Bản đang thúc đẩy kế hoạch một tuần làm việc bốn ngày trong Chính sách cơ bản về quản lý - cải cách kinh tế và tài khóa dự kiến sẽ được thông qua vào tháng 6/2021.

Nếu chính sách trên được đưa vào danh sách ưu tiên, nó đó sẽ được phản ánh trong ngân sách của năm tới. Giới chức Nhật Bản kỳ vọng động thái này sẽ thúc đẩy nhiều công ty áp dụng lựa chọn bốn ngày làm việc mỗi tuần.

Tuy nhiên, giới chuyên gia và quan sát đã bày tỏ hoài nghi về triển vọng của kế hoạch này.

Kỳ vọng lớn của Chính phủ Nhật Bản

Theo dự kiến của Tokyo, kế hoạch rút ngắn thời gian làm việc còn bốn ngày mỗi tuần sẽ giúp người lao động có thêm thời gian để học tập, trau dồi thêm các kỹ năng mới hoặc làm việc bán thời gian để cải thiện sự nghiệp của họ.

Điều này sẽ giúp nâng cao năng suất và tăng thu nhập của người lao động, đồng thời đưa thị trường lao động Nhật Bản trở nên linh hoạt hơn.

Ý tưởng về tuần làm việc kéo dài bốn ngày đã được Hội đồng Chính sách Kinh tế và Tài khóa của Chính phủ Nhật Bản đưa ra thảo luận. Một nhóm nhà lập pháp của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền cũng đề xuất ý tưởng này hồi tháng Tư.

[Sản lượng công nghiệp của Nhật Bản tăng vượt mức trước đại dịch]

Đề xuất của LDP nêu rõ rằng truyền thống tuyển dụng suốt đời đã góp phần vào sự ổn định của đất nước. Tuy nhiên, Nhật Bản cần phải đa dạng hóa phong cách làm việc để tạo điều kiện cho sự đổi mới sáng tạo, bằng cách thu hút các cá nhân có xuất thân khác nhau làm việc cùng nhau.

Theo đề xuất, nếu mọi người lao động có thể nghỉ ba ngày mỗi tuần, họ sẽ có nhiều thời gian hơn để cân bằng công việc với việc nuôi dạy con cái hoặc chăm sóc cha mẹ. Thời gian lao động rút ngắn cũng sẽ cho phép người lao động theo học đại học hoặc đảm nhận các công việc khác để có thêm kiến thức, kinh nghiệm cho sự nghiệp.

Giới quan sát cho rằng mục tiêu thực sự của chính sách này dường như là khuyến khích người lao động Nhật Bản tham gia vào các chương trình giáo dục thường xuyên để bổ sung các kỹ năng mới.

Như vậy, năng suất lao động sẽ tăng lên và một số lực lượng lao động sẽ chuyển sang các lĩnh vực đang phát triển - vốn là trọng tâm cho các vấn đề kinh niên về nguồn lao động của Nhật Bản.

Các chuyên gia hoan nghênh việc chính phủ đưa ra một phong cách làm việc mới, nhưng họ cho biết hiện chưa thể chắc chắn một tuần làm việc bốn ngày là một chính sách hiệu quả để giải quyết những vấn đề trên.

Những thách thức trong thực tế

Một số chuyên gia đã bày tỏ nghi ngờ, cho rằng tình hình thực tế sẽ không dễ dàng phát triển như kỳ vọng của Chính phủ Nhật Bản.

Bà Hiromi Murata, chuyên gia tại Viện tuyển dụng lao động cho biết việc giảm bớt ngày làm việc có thể là tin vui với người lao động, nhưng mấu chốt là liệu họ có chấp nhận việc giảm thu nhập hay không.

Kỳ vọng khó đạt của Nhật về chính sách tuần làm việc 4 ngày ảnh 2COVID-19 phá vỡ những suy nghĩ truyền thống về thói quen làm việc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một tuần làm việc ngắn hơn sẽ ảnh hưởng đến lương hưu và tiền thưởng hưu trí của lao động. Do vậy những người muốn thực hiện thay đổi đó cần phải trao đổi với công ty về mức lương, cũng như tìm hiểu xem họ có thể linh hoạt chuyển về tuần làm việc năm ngày hay không.

Chuyên gia Murata nói thêm rằng một số người có thể cố gắng trang trải việc giảm thu nhập bằng cách nhận một công việc phụ. Song họ cần phải cẩn thận vì thời gian làm việc thực tế nhiều khả năng phải kéo dài hơn để đảm bảo cả hai công việc.

Chính phủ Nhật Bản hiện xem xét một hệ thống mà các cá nhân có thể chọn một tuần làm việc bốn ngày hoặc năm ngày, thay vì để các công ty quyết định.

Một cuộc khảo sát trực tuyến với 400 cá nhân vào tháng 4/2021 của Học viện Tài chính có trụ sở tại Tokyo cho thấy 77% câu trả lười phản ứng tích cực với kế hoạch làm việc bốn ngày trong tuần.  Tuy nhiên, những lo ngại về cắt giảm lương là lý do hàng đầu của những người không lựa chọn kế hoạch này.

Còn theo một cuộc khảo sát của Bộ Lao động Nhật Bản được thực hiện vào tháng 1/2020, có 8,3% trong số 4.191 công ty được hỏi cho phép nhân viên nghỉ nhiều hơn hai ngày mỗi tuần.

Dựa trên những thông tin trên, giới phân tích nhận định sẽ có hai hệ thống trả lương cơ bản phổ biến nhất.

Một hệ thống sẽ giữ nguyên mức lương bằng cách yêu cầu nhân viên đảm bảo tổng số giờ làm việc trong bốn ngày tương đương thời gian truyền thống. Mức thu nhập của những người trong hệ thống đầu tiên có thể không thay đổi, nhưng do thời gian làm việc bình thường dài hơn nên họ có thể sẽ nhận được ít tiền làm thêm giờ hơn.

Hệ thống thứ hai chỉ đơn giản là hạ lương của người lao động do số ngày làm việc giảm.

Ông Toru Suehiro, nhà kinh tế cấp cao tại công ty tài chính Daiwa Securities cho biết, tuần làm việc bốn ngày có thể làm giảm thu nhập hàng tháng của người lao động Nhật Bản trung bình khoảng 51.000 yen (464,78 USD).

Chuyên gia của Daiwa nhấn mạnh thời điểm hiện tại không hề lý tưởng cho sự thay đổi như vậy, vì một loạt công ty đang phải hứng chịu tác động từ đại dịch COVID-19 và dựa vào hỗ trợ tài chính từ chính phủ để duy trì việc làm cho công nhân.

Do vậy, các công ty lựa chọn triển khai tuần làm việc bốn ngày có thể bị chỉ trích rằng ý định thực sự của họ là cắt giảm chi phí lao động.

Bên cạnh đó, chuyên gia Murata tại Viện tuyển dụng lao động cũng nhận định nhiều người trong số lựa chọn tuần làm việc bốn ngày có thể sẽ sử dụng thời gian dư dôi để giải trí hơn là học tập. Bà đưa ra lập luận rằng cơ sở hạ tầng giáo dục của Nhật Bản chưa được chuẩn bị tốt cho sinh viên bán thời gian vào thời điểm này.

Ông Suehiro cũng đồng ý với quan điểm đó, cho rằng sẽ cần nhiều thời gian để nuôi dưỡng văn hóa làm việc mới cũng như đảm bảo các cơ hội giáo dục cho người lao động.

Chuyên gia này nhấn mạnh nếu không có sự chuẩn bị thích hợp của toàn xã hội, chính sách tuần làm việc bốn ngày sẽ chỉ đơn giảm là một cách giảm chi phí cho doanh nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục