Làn sóng bạo lực tại Iraq, hơn 300 người thương vong

Hàng loạt vụ đánh bom và các cuộc đụng độ xảy ra ngày 10/6 đã làm ít nhất 70 người thiệt mạng và hơn 230 người bị thương.
Hàng loạt vụ đánh bom xe, đánh bom liều chết và các cuộc đụng độ xảy ra ngày 10/6 tại các khu vực của người Hồi giáo dòng Sunni ở Iraq đã làm ít nhất 70 người thiệt mạng và hơn 230 người bị thương.

Chỉ tính riêng tại thành phố Mosul, cách thủ đô Baghdad 400km và là nơi cộng đồng người Sunni chiếm đa số, đã có ít nhất 29 người thiệt mạng và hơn 80 người bị thương trong năm vụ đánh bom xe và các cuộc giao tranh đẫm máu giữa lực lượng an ninh và các tay súng phiến quân.

Bạo lực cũng liên tiếp xảy ra tại nhiều thành phố khác của Iraq, trong đó bốn người đã thiệt mạng và 26 người bị thương trong một vụ đánh bom xe tại Tuz Khurmatu, trong khi một vụ đánh bom nhằm vào lực lượng an ninh tại Kirkuk khiến ba binh lính thiệt mạng và 12 người bị thương.

Tại Taji, cách Baghdad 20km, một quả bom phát nổ tại một chợ cá đã làm chết bảy người và khiến 16 người bị thương.

[61 người thương vong trong ba vụ đánh bom ở Iraq]

Trước đó, ba vụ đánh bom đã xảy ra tại một chợ rau quả đầu mối tại thị trấn Jedidat, ngoại ô thủ phủ Baquba của tỉnh Diyala, cách Baghdad 65km về phía Đông Bắc, khiến 13 người chết và 39 người bị thương.

Hiện chưa có tổ chức nào nhận đã tiến hành các vụ tấn công trên, song giới chức Iraq cáo buộc các phiến quân Hồi giáo người Sunni có quan hệ với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda là thủ phạm các vụ tấn công đẫm máu từ hồi tháng Tư khiến hơn 2.000 thiệt mạng.

Bạo lực bùng phát tại Iraq kể từ khi căng thẳng chính trị nảy sinh giữa cộng đồng người Shiite cầm quyền và người Sunni cho rằng họ bị phân biệt đối xử và cô lập kể từ khi chế độ tổng thống Saddam Hussen sụp đổ năm 2003.

Làn sóng bạo lực gia tăng gần đây làm dấy lên quan ngại về khả năng nổ ra một cuộc xung đột phe phái toàn diện hủy hoại Iraq giống như hồi năm 2006 và 2007.

Trong khi đó, cuộc chiến kéo dài tại Syria, giữa quân đội chính phủ của người Shiite nắm quyền được Iran ủng hộ và các tay súng nổi dậy được sự hậu thuẫn của người Sunni tại các nước Arập vùng Vịnh, cũng tạo sức ép đối với an ninh của Iraq trong việc cân bằng mối quan hệ giữa ba cộng đồng người Shiite, người Sunni và người Kurd vốn có nhiều bất đồng sâu sắc tại nước này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục