Mới đây, Bộ Quốc phòng đã tổ chức Lễ trao Quyết định của Chủ tịch nước và Quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho ba sỹ quan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại các phái bộ MINUSCA (Cộng hòa Trung Phi), UNMISS (Cộng hòa Nam Sudan) và UNISFA (khu vực Abyei), nâng tổng số cán bộ, nhân viên thuộc lực lượng Quân đội và Công an đã được triển khai tại các phái bộ gìn giữ hòa bình lên gần 800 người.
Lực lượng những người lính mũ nồi xanh của Việt Nam đang ngày càng phát triển lớn mạnh, qua đó góp phần thể hiện vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế; khẳng định nỗ lực, cam kết của chúng ta trong việc tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, góp phần xây dựng nền hòa bình và an ninh toàn cầu.
Đảm bảo cán bộ đáp ứng tốt yêu cầu của Liên hợp quốc
Theo đánh giá của Chỉ huy các phái bộ và các cơ quan chức năng của Liên hợp quốc, các quân nhân Việt Nam có rất nhiều nỗ lực trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, thể hiện sự chuyên nghiệp, kỷ luật; để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với lãnh đạo phái bộ, bạn bè và đồng nghiệp quốc tế bằng những đóng góp cụ thể, thiết thực, mang tính nhân văn cao.
Đại tá Mạc Đức Trọng, Phó Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (Bộ Quốc phòng) cho biết, để làm tốt công tác chuẩn bị lực lượng thay thế, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã chủ động tuyển chọn cán bộ đảm bảo đáp ứng về năng lực, trình độ quân sự, kiến thức gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, có trình độ ngoại ngữ và sức khỏe tốt.
Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã tổ chức các khóa huấn luyện theo yêu cầu của Liên hợp quốc, gồm Khóa Sỹ quan Tham mưu Liên hợp quốc, khóa Sỹ quan Hậu cần Liên hợp quốc, khóa Quan sát viên quân sự Liên hợp quốc; khóa Huấn luyện tiền triển khai.
Bên cạnh đó, tùy vào từng vị trí triển khai, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã cử cán bộ tham gia các khóa tập huấn, huấn luyện tại nước ngoài nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực mà từng sỹ quan sẽ đảm nhiệm tại các phái bộ.
Đặc biệt, cả ba sỹ quan chuẩn bị được triển khai đều đã tham gia hai cuộc diễn tập lớn về gìn giữ hòa bình trong năm 2023 trên cương vị học viên, gồm Chương trình đánh giá năng lực cho lực lượng chuẩn bị tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc Nhóm chuyên gia Gìn giữ hòa bình Chu kỳ 4 (2021-2023) do Việt Nam và Nhật Bản đồng chủ trì và Diễn tập song phương với Ấn Độ về gìn giữ hòa bình (VINBAX 2023).
Phó Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cho rằng ba sỹ quan được triển khai làm nhiệm vụ ở vị trí cá nhân trong đợt này có nhiều thuận lợi. Trong đó có việc lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam tại cả ba phái bộ đều đã và đang tạo được những hình ảnh, ấn tượng tốt đối với Chỉ huy phái bộ và các bạn bè, đồng nghiệp quốc tế.
Tuy nhiên, theo Đại tá Mạc Đức Trọng, các sỹ quan cũng cần xác định rõ một số khó khăn tại địa bàn các phái bộ, như tình hình an ninh tại địa bàn vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ an ninh khó lường, sự cạnh tranh giữa các đảng phái dẫn đến các rủi ro về an ninh, an toàn. Điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm, nhất là dịch sốt rét, dịch tả, dịch Ebola...
Quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Một trong ba sỹ quan chuẩn bị lên đường dịp này là Trung tá Nguyễn Sỹ Hiếu, nguyên giảng viên Bộ môn Vũ khí hàng không, Khoa Kỹ thuật hàng không, Học viện Phòng không-Không quân, được cử đi làm nhiệm vụ Quan sát viên quân sự ở phái bộ MINUSCA (Cộng hòa Trung Phi) thay thế Thiếu tá Nguyễn Văn Phong.
Khẳng định được cử đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là vinh dự, cũng là trách nhiệm lớn trước Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân, Trung tá Nguyễn Sỹ Hiếu bày tỏ cảm ơn trân trọng đối với sự quan tâm, tin tưởng của Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị khi cử anh cùng hai sĩ quan khác đi thực hiện nhiệm vụ tại phái bộ Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Nam Sudan và khu vực Abyei.
Theo Trung tá Nguyễn Sỹ Hiếu, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là thực hiện nhiệm vụ quan trọng, trong môi trường đa quốc gia, có nhiều khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ.
Tính chất nhiệm vụ khá đa dạng và phức tạp, đòi hỏi phải có kiến thức toàn diện cả về quân sự, chính trị, chuyên môn, đối ngoại và văn hóa.
Do vậy, tất cả các sỹ quan đều được chuẩn bị kỹ về mọi mặt, như bản lĩnh chính trị, lòng dũng cảm, sự kiên định, năng lực chuyên môn, ngoại ngữ, sức khỏe và quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ.
Trước khi lên đường tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Trung tá Nguyễn Sỹ Hiếu đã xây dựng kế hoạch công tác, được Thủ trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam phê duyệt. Qua đó, anh đã quán triệt, nắm vững chức trách vị trí công tác của mình.
Để nâng cao khả năng thực hiện nhiệm vụ, Trung tá Hiếu chủ động trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp đi trước; tích cực học tập, rèn luyện, lĩnh hội kiến thức, kỹ năng, phong cách làm việc thông qua thực tiễn huấn luyện tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam và các khóa tập huấn ở nước ngoài. Cùng với đó, anh chuẩn bị và làm tốt công tác tư tưởng cho gia đình.
“Có thể khẳng định, đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã hoàn toàn sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc với quyết tâm cao nhất,” Trung tá Nguyễn Sỹ Hiếu chia sẻ.
Trung tá Nguyễn Sỹ Hiếu cho biết sau khi nhận nhiệm vụ mới là Quan sát viên quân sự tại phái bộ MINUSCA (Cộng hòa Trung Phi), anh sẽ nhanh chóng nắm bắt tình hình địa bàn, bắt tay ngay vào công việc, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; đoàn kết, chủ động hợp tác với đồng nghiệp, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Liên hợp quốc và Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng giao.
Bên cạnh đó, anh sẽ phối hợp cùng đồng đội, đồng nghiệp tại phái bộ, thường xuyên nghiên cứu kỹ tình hình an ninh, chính trị tại địa bàn; khai thác, nắm bắt thông tin để xây dựng kế hoạch bảo đảm an ninh, an toàn, xử trí kịp thời các tình huống trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và trang bị.
Hoạt động ở môi trường, địa bàn xa Tổ quốc, theo Trung tá Hiếu, điều kiện tiên quyết là cần chấp hành nghiêm kỷ luật Quân đội, quy định an ninh, an toàn của Liên hợp quốc cũng như luật pháp và bản sắc văn hóa nước sở tại; không làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của Quân đội và đất nước Việt Nam.
Anh cùng các đồng đội tại phái bộ sẽ tăng cường công tác truyền thông, tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, góp phần lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thân thiện, nhân văn, yêu chuộng hòa bình và phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” với bạn bè quốc tế./.
Trao quyết định của Chủ tịch nước cho ba sỹ quan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình
Đến nay, Việt Nam đã cử 799 lượt cán bộ, nhân viên thuộc lực lượng quân đội và công an triển khai theo hình thức cá nhân và đơn vị tại 3 phái bộ và Trụ sở Liên hợp quốc.