Lãnh đạo Nhật Bản-Nga lần đầu điện đàm, thảo luận các vấn đề tồn đọng

Trong cuộc điện đàm kéo dài 20 phút, Thủ tướng Suga đã bày tỏ mong muốn "đặt dấu chấm hết" cho vấn đề tranh chấp lãnh thổ vốn khiến hai nước chưa thể ký kết một hiệp ước hòa bình thời hậu chiến.
Lãnh đạo Nhật Bản-Nga lần đầu điện đàm, thảo luận các vấn đề tồn đọng ảnh 1Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga (trái) đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: Kyodo)

Ngày 29/9, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, trao đổi về một số vấn đề còn tồn đọng giữa hai nước.

Đây là cuộc đối thoại đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo này kể từ khi ông Suga nhậm chức vào giữa tháng này.

Trong cuộc điện đàm kéo dài 20 phút, Thủ tướng Suga đã bày tỏ mong muốn "đặt dấu chấm hết" cho vấn đề tranh chấp lãnh thổ vốn khiến hai nước chưa thể ký kết một hiệp ước hòa bình thời hậu chiến.

Ông cũng hy vọng thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương, nhấn mạnh những mâu thuẫn về chủ quyền đối với các hòn đảo do Nga kiểm soát ngoài khơi đảo Hokkaido của Nhật Bản cần phải được giải quyết ngay trong thế hệ này.

Về phần mình, Tổng thống Putin khẳng định sẵn sàng tiếp tục đối thoại cũng như "hợp tác trên tinh thần xây dựng" để giải quyết các vấn đề song phương và quốc tế.

[Nhật Bản phản ứng việc Nga tập trận tại quần đảo tranh chấp]

Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí thúc đẩy quan hệ song phương, bao trùm trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa, cũng như sớm tiến hành các cuộc thảo luận trực tiếp trong thời gian tới.

Cuộc điện đàm diễn ra chỉ vài giờ sau khi Nga thông báo bắt đầu cuộc tập trận tại vùng biển của hai trong số 4 hòn đảo tranh chấp Nhật Bản gọi là Kunashiri và Nga gọi là Kunashir cùng hòn đảo Nhật Bản gọi là Etorofu mà Nga gọi là Iturup.

Nhật Bản đã phản đối cuộc tập trận quân sự, cho rằng những hành động như vậy là "không thể chấp nhận."

Bất đồng giữa Nga và Nhật Bản đã kéo dài suốt nhiều thập kỷ liên quan tới 4 hòn đảo mà Moskva gọi là Nam Kuril, trong khi Tokyo gọi là "Lãnh thổ phương Bắc."

Tranh chấp lãnh thổ tại các hòn đảo này đã khiến hai nước không thể ký hiệp ước hòa bình sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Lãnh đạo hai nước đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán để giải quyết tranh chấp này, nhưng cho đến nay vẫn chưa đạt được đột phá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục