Lào Cai: Tái diễn nạn phá đất ruộng, đào đãi vàng

Thời gian gần đây, mỗi ngày có vài chục hộ nông dân trong xã Dương Quỳ và Minh Lương rủ nhau đi phá đất ruộng tìm vàng để "xóa nghèo."
Mới chỉ chiều hôm trước, những thửa ruộng vừa được gặt xong còn nguyên gốc rạ, nhưng sáng hôm sau đã biến thành bãi hoang nham nhở sỏi đá bên cạnh những hố sâu hoắm tựa như miệng giếng mọc chi chít khắp cánh đồng dọc theo con suối Nậm Chăn, kéo dài từ các thôn Mường B1 đến Mường B5 xã Dường Quỳ, huyện Văn Bàn (Lào Cai).

Đây là "chiến tích" do nạn "vàng tặc" gây ra gần đây tại các địa phương này.

Ông La Văn Thức, trưởng Công an xã Dương Quỳ cho biết, nạn đào vàng thường diễn ra vào mùa "nông nhàn" sau khi người dân đã gặt hái xong không biết làm gì để kiếm ra tiền chuẩn bị Tết. Hai năm về trước, nạn đào vàng chỉ diễn ra sôi nổi ở vùng rừng núi, nhưng gần đây do bãi vàng ở đây đã được nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý thăm dò, khai thác nên một số chủ lò lại xoay ra mua đất ruộng của dân địa phương đào bới, tìm vàng. Do bị chính quyền cấm, lực lượng chức năng truy đuổi nên cảnh đào vàng thường diễn ra vào ban đêm.

Nằm cách trung tâm huyện Văn Bàn gần 40km, những cánh đồng nằm dọc con suối Nậm Chăn chạy qua hai xã Dương Quỳ và Minh Lương được coi là khu vực có nhiều vàng sa khoáng. Thời gian gần đây, mỗi ngày có vài chục hộ nông dân trong xã rủ nhau đi phá đất ruộng tìm vàng để "xóa nghèo." Nạn khai thác vàng trái phép tập trung ở các thôn 3, 4, 5 bản Mường B, xã Dương Quỳ.

Ông La Văn Thức cho biết, lãnh đạo xã đã chỉ đạo thành lập một tổ công tác tuyên truyền, vận động người dân chấm dứt việc đào, đãi vàng trái phép; phải hoàn thổ trả lại mặt bằng cho những thửa ruộng, đồng thời xử phạt thật nặng những kẻ cố tình phá ruộng đào đãi vàng để làm gương răn đe, giáo dục. Nhưng tại các thôn kể trên, tình trạng đào đãi vàng trên đất ruộng diễn ra ngày một gia tăng và phức tạp hơn.

Đối tượng đào vàng chủ yếu là người dân và hoạt động ban đêm nên rất khó xử lý. Phương tiện chỉ đơn giản là các loại cuốc, xẻng, xô, chậu, máng gỗ... làm xong có thể cất giấu ngoài đồng để hôm sau làm tiếp. Trường hợp có bị đuổi bắt, tịch thu dụng cụ thì việc mua sắm lại cũng không đáng giá là bao.

Theo ông Phùng Văn Lưu, người dân ở thôn Mường B, bây giờ vàng lên giá, nông dân không có việc làm, mỗi tối, một người đào vàng có thể kiếm được vài trăm nghìn đồng thì ai mà chẳng thích.

Theo người dân địa phương, bình quân mỗi khối đất của người ta có thể đãi được 2 đến 3 chỉ vàng. Muốn đào đến lớp đất củ để lấy được một khối, người ta phải phá 5 đến 6m2 đất ruộng. Do vậy, việc tái tạo lại đồng ruộng để vụ sau gieo cấy là việc rất khó khăn. Đó là chưa kể sự ô nhiễm mà dòng suối Nậm Chăn phải hứng chịu từ bùn đất đậm đặc do các con khe suối đổ vào.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Dương Quỳ, ông Lương Văn Thanh cho biết, thực hiện Chỉ thị của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai, các lực lượng chức năng huyện Văn Bàn phối hợp với xã Dương Quỳ đã tổ chức nhiều lần truy quét, nhưng do nắm được thông tin nên các đối tượng vàng tặc đã lẩn trốn và sau khi lực lượng chức năng rút thì tệ nạn đâu lại vào đó./.

Lục Văn Toán (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục