Để chủ động phòng ngừa và ứng phó do bão số 1 gây ra, tỉnh Lào Cai và Lạng Sơn lên kế hoạch sơ tán dân khỏi khu vực nguy hiểm; chuẩn bị lực lượng, phương tiện theo phương châm “bốn tại chỗ;" cử người cảnh giới và cắm biển cảnh báo những vị trí ngầm tràn có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, lũ ống, lũ quét...
Lào Cai lên phương án sơ tán, di dời dân khỏi nơi nguy hiểm
Ngày 17/7, Ban Chỉ huy Phòng, Chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Lào Cai có công điện hỏa tốc về việc chủ động các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với bão số 1 và mưa lũ sau bão.
Ban Chỉ huy Phòng, Chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh yêu cầu, chính quyền các địa phương rà soát kịp thời; chỉ đạo quyết liệt phương án sơ tán, di chuyển ngay những hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ cao do trượt sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đến nơi an toàn (có biện pháp cưỡng chế đối với những trường hợp không di chuyển).
Do ảnh hưởng của bão số 1, dự kiến từ 16 giờ ngày 17/7, địa bàn tỉnh có mưa vừa đến mưa to, trong cơn mưa kèm dông lốc và sét đánh.
Để chủ động phòng ngừa, ứng phó trước mọi tình huống do thiên tai có thể xảy ra, nhằm giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai ngay lực lượng xung kích tổ chức tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị thi công trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống thiên tai tại công trường.
Chính quyền các địa phương phối hợp với các Sở: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo các chủ đập, hồ chứa thủy điện, thủy lợi thực hiện kiểm tra hồ đập, xử lý các khu vực trọng điểm xung yếu về hồ đập; vận hành hồ chứa, xả lũ đúng quy trình; thông tin kịp thời cho chính quyền địa phương và người dân trước khi xả lũ để đảm bảo an toàn các công trình, khu dân cư hạ du; khơi thông các dòng chảy, đặc biệt là các hệ thống thoát nước ở các khu đô thị, đông dân cư nhằm đảm bảo tiêu thoát lũ.
[Bão số 1 gió giật cấp 15, cách Móng Cái khoảng 480km]
Các địa phương tổ chức lực lượng tuần tra, rà soát nhằm phát hiện những vết nứt mới hoặc các cung trượt để có biện pháp cảnh báo, xử lý kịp thời, đặc biệt là các vị trí xung yếu và đã được xác định có nguy cơ cao; cử người cảnh giới và cắm biển cảnh báo những vị trí ngầm tràn có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, lũ ống, lũ quét... để hướng dẫn người dân, phương tiện qua lại đảm bảo an toàn.
Các địa phương thông báo cho người dân không nghỉ qua đêm tại lều, lán, nương, rẫy; không đi làm nương, chăn thả gia súc xa nơi cư trú để kịp di chuyển về nhà khi có mưa, lũ; không vớt củi, đánh bắt cá tại các sông, suối khi nước lũ lên cao. Các địa phương nắm bắt đầy đủ thông tin của người dân và có biện pháp quản lý chặt chẽ không cho người dân qua lại những khu vực ngầm tràn khi có lũ, vị trí có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét...
Lạng Sơn bố trí lực lượng, phương tiện phương châm “bốn tại chỗ”
Tại Lạng Sơn, trước diễn biến phức tạp, khó lường của bão số 1, ngày 17/7, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu đã có công điện yêu cầu, Ủy ban Nhân dân, Ban Chỉ huy Phòng, Chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn các huyện, thành phố, sở, ngành, cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ,” chủ động, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống của bão và mưa lũ.
Ủy ban Nhân dân, Ban Chỉ huy Phòng, Chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn; các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt.
Đặc biệt là chủ động sơ tán người dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.
Các địa phương trong tỉnh rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản, hồ chứa và hạ du, nhất là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu. Đối với các công trình đang xây dựng, chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, nhà thầu thi công nắm thông tin về cơn bão để có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình, khi cần thiết cho tạm dừng thi công.
Đài Khí tượng Thủy văn Lạng Sơn theo dõi diễn biến cơn bão số 1, kịp thời cảnh báo, dự báo thiên tai, nguy cơ xảy ra các loại hình thiên tai để cơ quan, chính quyền địa phương và nhân dân chủ động các biện pháp ứng phó.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh vận hành các hồ chứa theo đúng quy trình, bảo đảm điều tiết lũ cho vùng hạ du. Sở Giao thông Vận tải kiểm tra, rà soát hệ thống biển cảnh báo tại các vị trí ngầm, tràn, bến đò, đường dân sinh qua suối, sẵn sàng khắc phục khi có sự cố.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với Công an, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng xây dựng phương án huy động các lực lượng sẵn sàng, kịp thời ứng cứu khi có tình huống xảy ra nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại về người, tài sản và khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu...
Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão, mưa lũ, tỉnh Lạng Sơn dự kiến huy động trên 38.100 người gồm các lực lượng: Quân đội, Công an, Biên phòng và lực lượng xung kích; bố trí 92 chiếc xuồng, thuyền máy các loại; hơn 340 nhà bạt; gần 8.000 phao tròn…
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, Chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Lạng Sơn, đợt mưa lớn kéo dài liên tục trên địa bàn tỉnh từ ngày 23-26/6 vừa qua, đã làm một người mất tích (do đi qua ngầm bị trượt chân ngã và bị nước cuốn trôi).
Mưa lớn đã khiến 69 hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở đất. Tổng diện tích bị ngập úng khoảng trên 978ha; trong đó chủ yếu là lúa, ngô và hoa màu. Hệ thống giao thông trên địa bàn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khối lượng sạt lở đất, đá toàn tỉnh ước tính trên 7.000m3./.