Lao động nhập cư từ các nước EU có xu hướng rời khỏi Anh

Theo các chủ lao động tại Anh, những lao động thuộc các nước thành viên EU đang làm việc tại Xứ sở sương mù đã cân nhắc việc rời khỏi công ty hoặc nước này trong năm 2017.
Lao động nhập cư từ các nước EU có xu hướng rời khỏi Anh ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguốn: dailymail.co.uk)

Khoảng 25% chủ doanh nghiệp tại Anh cho biết những lao động thuộc các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) khác đang làm việc tại Xứ sở sương mù đã cân nhắc việc rời khỏi công ty hoặc nước Anh trong năm 2017 sau cuộc trưng cầu ý dân quyết định nước này ra khỏi EU hồi tháng Sáu năm ngoái (còn gọi là Brexit).

Theo kết quả cuộc khảo sát của Viện Nhân sự và Phát triển (CIPD) đối với hơn 1.000 công ty tại Anh, có tới 43% người lao động trong ngành giáo dục và 49% người làm trong lĩnh vực y tế cân nhắc việc rời khỏi Anh.

Theo CIPD, thị trường lao động Anh vẫn rất tiềm năng, nhưng quyết định của cử tri Anh rời khỏi "ngôi nhà chung châu Âu" có thể buộc các công ty tính toán lại chiến lược đào tạo của họ khi điều chỉnh nhân sự trong tương lai và rất có thể sẽ tuyển ít hơn nhân công thuộc các nước EU.

Trong bối cảnh Thủ tướng Anh Theresa May cam kết kiểm soát chặt chẽ hơn người nhập cư sau Brexit, dự kiến hoàn tất vào năm 2019, bất chấp điều này đồng nghĩa với việc Anh mất quyền tiếp cận với thị trường chung châu Âu.

CIPD cho rằng số liệu thống kê chính thức gần đây cho thấy các chủ lao động phụ thuộc vào người nhập cư từ EU đang vật lộn để lấp chỗ trống sau khi người lao động về nước.

Tính đến cuối năm 2016, khoảng 45% số vị trí bị bỏ trống là ở các doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ, chế tạo, dịch vụ y tế, nhà ở và lương thực thực phẩm.

Cố vấn thị trường lao động thuộc CIPD, ông Gerwyn Davies cho biết những số liệu thống kê cũng cho thấy số người lao động thuộc các nước thành viên EU ngoài Anh, tới làm việc tại Anh tăng chậm trong 3 tháng kể từ thời điểm diễn ra cuộc trưng cầu ý dân đến tháng 9/2016.

Điều này sẽ tạo ra những thách thức trong việc tuyển dụng, đặc biệt trong các khu vực vốn phụ thuộc vào nguồn lao động nhập cư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục