Trang mạng wsws.org đưa tin, trong vòng 2 tuần qua, dù báo chí không dồn dập đưa tin, nhưng Mỹ đã tiến gần hơn đến tình trạng đối đầu quân sự công khai với cả Nga và Trung Quốc, những cường quốc hạt nhân đứng thứ hai và thứ ba trên thế giới.
Ví dụ, hôm 3/10 vừa qua, lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã đe dọa tấn công trực tiếp Nga.
Đại sứ Mỹ tại NATO Kay Bailey Hutchison đã cáo buộc Moskva vi phạm Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) vì phát triển một tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân.
Vị đại sứ này cũng tuyên bố Washington sẽ sẵn sàng “xóa sổ” thứ vũ khí này bằng một cuộc tấn công do Mỹ thực hiện.
Tuyên bố này được đưa ra chỉ 3 ngày sau khi xảy ra vụ chạm trán của tàu khu trục Trung Quốc với tàu khu trục Mỹ đang thực hiện hoạt động được gọi là “tự do hàng hải” ở Biển Đông.
Vụ tiếp cận ở cự ly gần này buộc tàu Mỹ phải chuyển hướng để tránh nguy cơ xảy ra va chạm và có thể là vụ đụng độ quân sự thảm khốc nhất ở khu vực Thái Bình Dương trong hàng chục năm qua.
Đằng sau những vụ việc “sởn tóc gáy” trên, Mỹ đang thực hiện các công tác chuẩn bị nghiêm túc và dài hơi nhằm tái cấu trúc nền kinh tế của mình nhằm phục vụ một cuộc chiến quy mô lớn nhằm vào đối thủ “ngang tầm,” trong đó đề ra những thay đổi cơ bản đối với đời sống kinh tế, chính trị và xã hội.
Đó là nội dung cốt lõi của tài liệu 146 trang do Lầu Năm Góc công bố hôm 5/10 vừa qua, với tiêu đề “Đánh giá và tăng cường nền tảng công nghiệp chế tạo và quốc phòng và tính bền vững chuỗi cung ứng của Mỹ.”
Theo tác giả bài viết, tài liệu này cho thấy rõ ràng là Washington đang chuẩn bị không chỉ cho các cuộc đụng độ khu vực riêng rẽ mà còn cho cả nỗ lực tiến hành một cuộc đại chiến “dài hơi” nhằm vào Nga và Trung Quốc.
Tài liệu nói rõ rằng công cuộc tái cấu trúc quy mô lớn nền kinh tế Mỹ sẽ là điều cần thiết để đạt được mục tiêu do quân đội Mỹ đề ra là sẵn sàng “chiến đấu ngay tối nay” trước một “đối thủ ngang tầm.” Washington cũng cần “tân trang vũ khí” cho cuộc “cạnh tranh nước lớn.”
[Tổng thống Donald Trump mong muốn cải thiện mối quan hệ Mỹ-Nga]
Ngoài ra, tài liệu còn cảnh báo sự xói mòn ngành chế tạo Mỹ trong hơn 20 năm qua đã hủy hoại khả năng nước này đáp ứng những nhu cầu về an ninh quốc phòng. Lý do là Mỹ vẫn phụ thuộc vào một số chuỗi cung ứng nước ngoài và phải đối mặt với nguy cơ không thể sản xuất trong nước những thiết bị quân sự chuyên dụng.
Vì vậy, để bù đắp sự thiếu hụt này, báo cáo cho rằng việc hỗ trợ ngành chế tạo trong nước phát triển năng động, nền tảng công nghiệp quốc phòng vững mạnh và tính bền vững của chuỗi cung ứng là một ưu tiên quốc gia.
Báo cáo nhắm trực tiếp vào Trung Quốc khi tuyên bố “các chiến lược kinh tế của Trung Quốc, kèm theo đó là những tác động tiêu cực từ các chính sách công nghiệp của các nước khác, đã gây ra những mối đe dọa đáng kể đối với nền tảng công nghiệp của Mỹ, do đó, gây ra mối đe dọa ngày càng tăng đối với an ninh quốc gia Mỹ.”
Báo cáo khẳng định việc thúc đẩy vai trò thống trị về ngành chế tạo của Mỹ đóng vai trò thiết yếu để thúc đẩy vai trò thống trị quân sự của nước này. Việc bảo vệ ngành công nghiệp nặng cần đi kèm với những nỗ lực của chính phủ nhằm bảo vệ ngành công nghệ cao của Mỹ, vốn đem lại nguồn lợi nhuận to lớn cho nước này.
Báo cáo lưu ý đến “Sản xuất ở Trung Quốc 2025,” một trong những chương trình phát triển công nghiệp quan trọng của gã khổng lồ châu Á. Chương trình này nhắm đến các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, máy tính lượng tử, robot, thiết bị năng lượng mới và độc lập, các máy móc y học hiện đại, các bộ phận cho ngành đóng tàu công nghệ cao và những lĩnh vực công nghiệp mới nổi khác đóng vai trò thiết yếu đối với quốc phòng.
Tài liệu cảnh báo về quy mô Trung Quốc đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển gia tăng nhanh chóng, tương ứng với quy mô của Mỹ và “sẽ có khả năng bắt kịp được với trình độ của Mỹ vào một thời điểm nào đó không xa.”
Báo cáo viết: Hiện Lầu Năm Góc đã vạch ra các kế hoạch nhằm bảo vệ và mở rộng lĩnh vực công nghệ cao của Mỹ.
Một trong số đó là ủng hộ nỗ lực của chính quyền trong việc giới hạn số lượng sinh viên Trung Quốc đến học ở Mỹ thông qua giới hạn Visa.
Hàng năm, với 25% sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học, công nghệ và kỹ sư ở Mỹ là sinh viên Trung Quốc, các đại học Mỹ đang là “cái nôi” cho sự trỗi dậy về kinh tế và chính trị của Trung Quốc.
Nói cách khác, báo cáo trên vạch ra tầm nhìn giống với những gì mà tài liệu chiến lược an ninh quốc gia Mỹ đưa ra trước đó, khi đều kêu gọi sự phối hợp đồng bộ các yếu tố phục vụ sức mạnh quốc gia, gồm ngoại giao, thông tin, kinh tế, tài chính, tình báo, thực thi pháp luật và quân sự..../.