Lấy búi tóc nặng một kilogam ra khỏi dạ dày bé gái 6 tuổi

Ngày 4/9, bác sỹ Tạ Huy Cần, khoa Ngoại Tổng quát, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị này vừa phẫu thuật lấy ra búi tóc nặng 1kg trong dạ dày một bé gái 6 tuổi.
Lấy búi tóc nặng một kilogam ra khỏi dạ dày bé gái 6 tuổi ảnh 1Bệnh nhi được chăm sóc sau phẫu thuật. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 4/9, bác sỹ Tạ Huy Cần, khoa Ngoại Tổng quát thuộc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị này vừa phẫu thuật lấy ra búi tóc nặng 1kg trong dạ dày một bé gái 6 tuổi.

Bé gái N.T.A.P, 6 tuổi, ngụ tỉnh Long An, được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố trong tình trạng đau bụng từng cơn, ói ra dịch xanh, bụng to.

Trước đó một tuần, em bé bắt đầu đau bụng và được gia đình đưa đi điều trị tại phòng khám tư nhân ở địa phương nhưng bệnh không thuyên giảm, thậm chí bệnh nhi càng tỏ ra đau đớn hơn.

Mẹ bệnh nhi cho biết, bắt đầu từ hơn 2 tuổi, bệnh nhi bắt đầu có sở thích giật tóc của mình để ăn mỗi khi xem tivi. Đặc biệt khi giận ai trong nhà bé ăn nhiều hơn, bứt cả nắm tóc trên đầu để ăn. Người nhà cũng thường xuyên phát hiện tóc trong phân của bé.

Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, qua thăm khám lâm sàng và siêu âm, X-quang bụng, bệnh nhi được các bác sỹ chẩn đoán có một khối bã lớn trong dạ dày khiến ruột bị tắc. Ngay lập tức, bệnh nhi được phẫu thuật khẩn cấp.

[Bước tiến mới trong sản xuất vắcxin “made in Việt Nam”]

Bác sỹ Tạ Huy Cần cho hay, lúc phẫu thuật phát hiện ở dạ dày của bệnh nhi có một búi tóc rất to, nặng gần 1kg, làm tắc nghẽn toàn bộ đường thoát dạ dày xuống ruột non. Rất may mắn là chưa có hiện tượng thủng dạ dày do được phẫu thuật kịp thời.

Theo các bác sỹ, bệnh nhi này có thể mắc hội chứng Rapunzel, một hội chứng mà bệnh nhân thường có biểu hiện ăn chính tóc của mình, hoặc người khác, khiến cho tóc bị rối và mắc kẹt trong dạ dày, ruột lâu ngày có thể gây tắc, thủng ruột.

Bệnh nhân bị mắc hội chứng này thường có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, sụt cân nhanh, táo bón, tiêu chảy… Nguyên nhân mắc hội chứng Rapunzel hiện vẫn chưa được xác định một cách rõ ràng, có thể là do khiếm khuyết về trí tuệ, rối loạn tâm thần, chấn động tâm lý từ thơ ấu, gặp căng thẳng quá mức hoặc có thể do thiếu sắt…

Sau mổ, hiện sức khỏe bệnh nhi đã ổn định, đang được theo dõi hậu phẫu tích cực và tư vấn tâm lý nhằm ngăn chặn tình trạng ăn tóc tiếp tục tái diễn trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục