Lễ hội Quán Thế Âm-Ngũ Hành Sơn - Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia

Lễ hội Quán Thế Âm-Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng là một trong những lễ hội dân gian mang đậm yếu tố Phật giáo gắn liền với danh thắng Ngũ Hành Sơn và đời sống tâm linh tín ngưỡng của người dân.

Lễ hội Quán Thế Âm-Ngũ Hành Sơn - Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia ảnh 1Quang cảnh Lễ chính của lễ hội Quán Thế Âm 19/2. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Ngày 25/3, Ủy ban Nhân dân quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, đã tổ chức lễ đón nhận bằng Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia lễ hội Quán Thế Âm-Ngũ Hành Sơn.

Lễ hội Quán Thế Âm-Ngũ Hành Sơn ở thành phố Đà Nẵng là một trong những lễ hội dân gian mang đậm yếu tố tín ngưỡng tôn giáo của đạo Phật gắn liền với danh thắng Ngũ Hành Sơn và đời sống tâm linh tín ngưỡng của cộng đồng địa phương, đại diện cho bản sắc văn hóa của thành phố Đà Nẵng được lưu truyền, gìn giữ đến ngày nay.

Lễ hội Quán Thế Âm-Ngũ Hành Sơn (hay còn gọi là Lễ hội Quán Âm 19/2) được tổ chức tại Chùa Quán Thế Âm, số 48 đường Sư Vạn Hạnh, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, và các địa điểm liên quan khác tại Di tích Quốc gia Đặc biệt - Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn.

[Phát huy giá trị di sản Lễ hội Quán Thế Âm-Ngũ Hành Sơn của Đà Nẵng]

Theo lịch sử nghiên cứu, ở Đà Nẵng, Phật giáo được truyền vào khoảng thế kỷ XVII, trong đó Ngũ Hành Sơn được xem là cái nôi đầu tiên của Phật giáo, đồng thời là trung tâm Phật giáo của Việt Nam trong thời kỳ chúa Nguyễn.

Khi Phật giáo bắt đầu du nhập vào Đà Nẵng, người Việt đã tạo dựng ở Ngũ Hành Sơn một hệ thống các ngôi chùa. Hầu hết trên năm ngọn núi của Ngũ Hành Sơn đều có những ngôi chùa cổ kính, với những dáng vẻ khác nhau được xây dựng qua nhiều thời kỳ lịch sử.

Lễ hội Quán Thế Âm-Ngũ Hành Sơn - Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia ảnh 2Nghi lễ chính của lễ hội Quán Thế Âm 19/2. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Cùng với đó là hệ thống các hang động thiên nhiên kỳ vĩ vừa ngẫu nhiên, vừa tân tạo với một vẻ đẹp hài hòa, quyến rũ, kỳ ảo, điểm tô cho Ngũ Hành Sơn trở thành bức tranh thắng cảnh tuyệt đẹp, mà còn ẩn chứa nét huyền bí và thấm đượm yếu tố tâm linh, đặc biệt là động Quan Âm-một động có chiều dài hơn 50m, chiều ngang khoảng 10m và cao từ 10-15m.

Trong động Quan Âm có những lớp thạch nhũ bám vào vách đá tạo thành bức tượng Quán Thế Âm Bồ Tát cao bằng người thật, cân phân, thanh tú. Có thể nói đây là một bức phù điêu tuyệt mỹ của thiên nhiên tạo nên và cũng chính hình tượng Phật bà Quan Âm thiên tạo đã thu hút đông đảo các Phật tử, du khách trong và ngoài nước đến chiêm bái, tạo cho lễ hội Quán Thế Âm tính “thiêng” và “ảo” hiếm có.

Chính vì thế, Ngũ Hành Sơn không những là một di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh dành cho khách thập phương đến thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên “sơn kỳ thủy tú” và hít thở không khí trong lành của khu sinh thái, mà còn là nơi địa linh tôn giáo.

Đây được xem là nơi dành cho các bậc chân tu tu tập, tham thiền nhập định để cầu phúc cho dân và bản thân được siêu thoát; nơi giúp người trần tục tạm quên những vướng bận đời thường, hướng đến sự tịnh tâm thanh thản trong thế giới tâm linh.

Đặc biệt, vùng đất được xem là có nhân duyên với đạo Phật này còn lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ với nhiều giá trị đặc biệt, nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, gồm: các công trình, biểu tượng tôn giáo tín ngưỡng của người Việt, người Hoa và cả người Chăm bản địa; các di vật, cổ vật, hoành phi, liễn đối, bia ký; các di chỉ khảo cổ học; tập tục; nghề thủ công truyền thống và các lễ hội, trong đó có Lễ hội Quán Thế Âm...

Lễ hội Quán Thế Âm-Ngũ Hành Sơn - Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia ảnh 3Nghi lễ chính của lễ hội Quán Thế Âm 19/2. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Hằng năm, Lễ hội Quán Thế Âm-Ngũ Hành Sơn diễn ra vào ngày 19 tháng 2 âm lịch, để cầu cho quốc thái dân an, chúng sinh an lạc, khơi dậy lòng từ bi, bác ái, hướng thiện trong mỗi con người, sự hòa hợp giữa Phật pháp với dân tộc, tình yêu quê hương đất nước.

Cũng như bao lễ hội khác, Lễ hội Quán Thế Âm bao gồm hai phần lễ và hội. Phần lễ mang đậm màu sắc lễ nghi Phật giáo hòa quyện với phần hội là những sinh hoạt văn hóa cổ truyền đậm tính nhân văn.

Các nghi lễ tín ngưỡng Phật giáo bao gồm lễ khai kinh, thượng phan-thượng kỳ; lễ rước ánh sáng; lễ pháp dàn Quán Thế Âm, thuyết giảng Đạo pháp và tổ chức các khóa tu tập.

Chính lễ, gồm lễ vía Đức Phật Quán Thế Âm Bồ tát; lễ rước tôn tượng Quán Thế Âm Bồ tát; lễ hóa trang Quán Thế Âm Bồ tát và cuối cùng lễ tạ pháp dàn hoa đăng. Trong đó, lễ vía Đức Phật Quán Thế Âm Bồ tát là nghi lễ chính thức, được tổ chức vào ngày 19/2 Âm lịch, nhằm ngày Khánh đản (ngày sinh) của Đức Phật Quán Thế Âm.

Ngoài các nghi lễ trên, còn có lễ tế Xuân (cúng Sơn Thuỷ, Thổ Thần) để cầu quốc thái dân an. Lễ thường được tổ chức vào đêm ngày 18. Nội dung giống như các lễ tế Xuân, Thu trong cả nước.

Phần hội diễn ra sôi nổi đan xen với phần lễ, với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, văn nghệ, thể thao phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Các hội hóa trang, hát bội (tuồng), thi các môn: thi pháp, tranh thủy mặc, thả hoa đăng trên sông, đua thuyền, lắc thúng chai, kéo co, bơi chải, thi nấu ăn chay, trang trí cổng trại, hát bài chòi, thiền trà, triển lãm tượng đá và hội thi điêu khắc đá của làng đá mỹ nghệ Non Nước… được tổ chức kéo dài trong suốt 3 ngày, 3 đêm trong khuôn viên chùa Quan Thế Âm, núi Kim Sơn và bên bờ sông Cổ Cò.

Khởi nguyên từ một lễ vía thuần túy tôn giáo, lễ hội Quán Thế Âm được chính thức tổ chức từ năm 1956 và từ năm 1991 được tổ chức quy mô lớn trong ba ngày từ 17-19/2 âm lịch hàng năm, thu hút sự tham gia của hàng nghìn Phật tử, người dân địa phương cùng du khách trong và ngoài nước. Năm 2000, lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được Tổng cục Du lịch công nhận và xếp vào danh mục 15 lễ hội lớn cấp quốc gia.

Ngày 3/2/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định công nhận và đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia đối với Lễ hội Quán Thế Âm-Ngũ Hành Sơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục