Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên

Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên trở thành địa chỉ đỏ trong khám, chữa bệnh của người dân trong tỉnh và các khu vực lân cận, kết quả điều trị nội trú, ngoại trú hàng năm tăng trung bình từ 105-120%.
Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới cho Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)
Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới cho Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Sáng 7/1, tại thành phố Thái Nguyên, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên ( bệnh viện đa khoa hạng I trực thuộc Bộ Y tế) tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Bệnh viện (1951-2021) và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải; lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể của Trung ương, tỉnh Thái Nguyên cùng đông đảo các thế hệ y, bác sỹ, người lao động của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên qua các thời kỳ đã dự Lễ.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trao danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới tặng Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên; trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng ông Hà Tiến Quang, Phó Giám đốc Bệnh viện và danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú tặng 19 thầy thuốc tiêu biểu của bệnh viện.

Dịp này, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên và 5 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

[Thái Nguyên mở trung tâm khám bệnh từ xa, kết nối cơ sở y tế 13 tỉnh]

Ôn lại truyền thống vẻ vang của Bệnh viện qua 70 năm xây dựng và phát triển, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết bệnh viện được thành lập tháng 7/1951 với tên gọi Bệnh viện Liên khu Việt Bắc, trực thuộc Ủy ban Kháng chiến hành chính liên khu Việt Bắc, có nhiệm vụ y tế dân công và phòng bệnh phục vụ kháng chiến cứu quốc, chỉ đạo công tác phòng bệnh và y tế dân công cho 19 Ty Y tế thuộc Liên khu Việt Bắc.

Bệnh viện nhiều lần được đổi tên Bệnh viện Khu tự trị Việt Bắc (năm 1956), Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên trực thuộc Bộ Y tế (năm 1976), Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên (năm 1997) và nay là Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.

Bệnh viện vinh dự và tự hào được đón Bác Hồ kính yêu về thăm vào ngày 13/3/1960. Khắc ghi lời Bác dạy, lớp lớp các thế hệ y, bác sỹ của bệnh viện luôn cố gắng khắc phục mọi khó khăn, vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật, định hướng xây dựng Bệnh viện phát triển không ngừng lớn mạnh, ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật của nền y học tiên tiến, hiện đại gắn với y học dân tộc và bản địa.

Từ quy mô 800 giường bệnh năm 2010, đến nay, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã tăng gấp đôi lên 1.600 giường bệnh.

Bệnh viện đã trở thành địa chỉ đỏ trong khám, chữa bệnh của người dân trong tỉnh và các khu vực lân cận, kết quả điều trị nội trú, ngoại trú hàng năm tăng trung bình từ 105-120%, quy mô khám bệnh ngoại trú tăng từ 150-200%, số ca phẫu thuật và phẫu thuật đặc biệt đều tăng theo tỷ lệ khám bệnh.

Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng ngừa các sự cố y khoa được thực hiện tốt, công tác phòng, chống dịch bệnh được tăng cường, nhất là đối với dịch COVID-19. Chất lượng các dịch vụ y tế không ngừng được nâng cao...

Quy mô của bệnh viện phát triển không ngừng với 55 đơn vị khoa, phòng, trung tâm, gần 1.400 cán bộ, công nhân viên được đào tạo theo chuyên ngành chuyên sâu. Bệnh viện có gần 500 bác sỹ, trong đó trên 70% có học hàm, học vị là phó giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ chuyên khoa II, thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa I. Trên 60% điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh viên có trình độ đạt từ cao đẳng trở lên.

Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên ảnh 1Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thăm hỏi, tặng quà bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Bệnh viện đã hoàn toàn làm chủ kỹ thuật ghép thận từ người cho sống với tỷ lệ ghép thành công 100%, mổ tim kín, tim hở, phẫu thuật khâu nối mạch máu; cắt u phổi, u trung thất; ứng dụng cánh tay robot trong phẫu thuật cột sống; phẫu thuật u não, u tủy sống, phẫu thuật khớp háng, khớp gối… bằng nhiều phương pháp tiên tiến hiện đại, ít xâm lấn.

Ngoài ra, bệnh viên còn thực hiện chẩn đoán sớm trước và sau sinh, chẩn đoán đột biến gen gây các bệnh lý di truyền, xét nghiệm virus SARS-CoV-2...

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải biểu dương, ghi nhận, chúc mừng những thành tích xuất sắc, đóng góp có hiệu quả của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân 70 năm qua.

Là tỉnh nằm trong vùng quy hoạch Thủ đô, Thái Nguyên phấn đấu trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.

Do vậy, thời gian tới, bệnh viện cần phát huy những thành tích đạt được, tiếp tục khẳng định uy tín, chất lượng, vai trò bệnh viện Trung ương khu vực, không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân, lấy sự hài lòng của người dân là thước đo hiệu quả hoạt động của bệnh viện.

Cùng với đó, bệnh viện tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế theo tiêu chí hiện đại, chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu về quy mô, chất lượng của bệnh viện hạng đặc biệt, tuyến cuối; đa dạng hóa các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bệnh viện quan tâm đào tạo đội ngũ y, bác sỹ tinh thông nghiệp vụ, làm chủ kỹ thuật tiên tiến, thiết bị chuyên ngành y tế hiện đại, phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân...

Trước đó, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng lãnh đạo Bộ Y tế, tỉnh Thái Nguyên đã cắt băng khánh thành cụm công trình Trung tâm Sản phụ khoa chất lượng cao, Khu Xạ trị gia tốc kỹ thuật cao, Trung tâm Tạo hình thẩm mỹ của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên; thăm, tặng quà bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục