LHQ: Các biện pháp trừng phạt Nga của EU là phản tác dụng

Kể từ khi áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga năm 2014, EU thiệt hại 3,2 tỷ USD/tháng, có nghĩa đến nay số tiền lên tới hơn 100 tỷ USD; trong khi đó tổng thiệt hại của Nga là 55 tỷ USD.
LHQ: Các biện pháp trừng phạt Nga của EU là phản tác dụng ảnh 1

Kể từ khi áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga vào năm 2014, nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU) mỗi tháng thiệt hại 3,2 tỷ USD, có nghĩa là đến nay số tiền đã lên tới hơn 100 tỷ USD; trong khi đó tổng số thiệt hại của nền kinh tế Nga chỉ ở mức 55 tỷ USD.

Đây là kết luận được đưa ra trong bản báo cáo đặc biệt của Liên hợp quốc về tác động tiêu cực của những biện pháp cưỡng bức đơn phương đối với việc thực hiện các quyền của con người, do báo cáo viên Idris Jazairi thực hiện.

Để thực hiện báo cáo trên, trong tháng Tám vừa qua, ông Idris Jazairi đã đến Moskva tiến hành nghiên cứu và có các cuộc gặp với đại diện chính phủ, doanh nghiệp, Liên hợp quốc, nhà ngoại giao và đi đến kết luận các biện pháp trừng phạt Nga là phản tác dụng, bởi vì quá trình toàn cầu hóa khiến những biện pháp này đụng chạm đến cả chính những quốc gia khởi xướng.

[EU nhất trí gia hạn lệnh trừng phạt Nga thêm 6 tháng kể từ 15/9]

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt có thể là nguyên nhân làm giảm GDP của Nga trong giai đoạn 2014-2016 trung bình 1%, đồng thời khiến số người sống ở mức nghèo đói tăng lên.

Theo ông, mặc dù trong bối cảnh bị bao vây cấm vận và giá dầu mỏ sụt giảm mạnh, song Chính phủ Nga thực hiện được chính sách kinh tế hiệu quả và thích nghi với thực tế mới.

Điều đáng nói, gói các biện pháp trừng phạt mới mà Mỹ nhằm vào Nga sẽ khiến thiệt hại trở nên trầm trọng hơn.

Theo quy định mới, Chính phủ Mỹ có thể phạt các công ty nước ngoài nếu tham gia vào các dự án liên quan đến đầu tư, bảo trì, sản xuất trang thiết bị cho các đường ống dẫn khí đốt của Nga, trong đó có dự án “Dòng chảy phương Bắc-2.”

Đứng trước thực tế đáng lo ngại này, giới doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt là Đức, kêu gọi giới lãnh đạo chính trị và ngoại giao nỗ lực ngăn chặn việc siết chặt hơn nữa các biện pháp trừng phạt chống Nga.

Chủ tịch Phòng Thương mại Nga-Đức, ông Matthias Shepp cảnh báo rằng gói biện pháp trừng phạt mới của Mỹ không chỉ hạn chế trong lĩnh vực năng lượng, mà còn có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới các công ty của Đức hoạt động trong các lĩnh vực khác như công nghệ thông tin, logistics, tư vấn, dịch vụ tài chính và triển lãm doanh nghiệp.

Ngày 13/9, Phòng Thương mại Nga-Đức công bố kết quả thăm dò ý kiến các công ty của Đức đang hoạt động tại Nga, cho thấy 97% đại diện doanh nghiệp Đức đánh giá tiêu cực về gói biện pháp trừng phạt mới của Mỹ.

Mặc dù lo ngại những hậu quả trực tiếp cũng như gián tiếp đối với hoạt động kinh doanh của mình, song 3/4 số người được hỏi (72%) có kế hoạch duy trì hoạt động kinh doanh và đầu tư tại Nga ở mức như trước đây, trong khi có một số không ít (15%) thậm chí còn lên kế hoạch đẩy mạnh hoạt động và tăng cường đầu tư vào thị trường Nga.

Các công ty của Đức cho rằng, các biện pháp trừng phạt Nga thúc đẩy lợi ích của Mỹ, đồng thời lên tiếng kêu gọi EU và Chính phủ Đức cần có những biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp châu Âu nói chung và doanh nghiệp Đức nói riêng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục