LHQ kêu gọi lập tức ngừng giao tranh tại Mariupol để sơ tán người dân

Điều phối viên của Liên hợp quốc kêu gọi các bên tận dụng cơ hội nhân ngày Lễ phục sinh chính thống mà người dân ở Ukraine và Nga đều kỷ niệm, để dừng các hoạt động giao tranh và sơ tán người dân.
LHQ kêu gọi lập tức ngừng giao tranh tại Mariupol để sơ tán người dân ảnh 1Người dân sơ tán khỏi thành phố Irpin, tây bắc thủ đô Kiev, Ukraine, ngày 5/3/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 24/4, điều phối viên chuyên trách tình hình Ukraine của Liên hợp quốc Amin Awad đã kêu gọi các bên ngay lập tức ngừng giao tranh tại Mariupol để cho phép thực hiện việc sơ tán dân thường trong thành phố.

Trong thông báo mới, ông Awad cho rằng hàng chục nghìn người, có cả phụ nữ, trẻ em và người già, vẫn đang ở Mariupol.

Do đó, các bên cần tạm dừng giao tranh ngay lập tức để sơ tán những người này một cách an toàn ngay trong ngày 24/4 hoặc muộn nhất là 25/4.

Điều phối viên Awad kêu gọi các bên tận dụng cơ hội nhân ngày Lễ phục sinh chính thống (Orthodox Easter, 24/4) mà người dân ở Ukraine và Nga đều kỷ niệm, để dừng các hoạt động giao tranh. 

Theo Liên hợp quốc, khoảng 100.000 người dân vẫn đang mắc kẹt tại Mariupol. Trước đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng đã kêu gọi các bên ngừng giao tranh nhân ngày Lễ phục sinh chính thống.

Cũng trong ngày 24/4, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khẳng định phải đảm bảo tiến hành sơ tán người bị thương và dân thường ở Mariupol.

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng hỗ trợ mọi thứ cần thiết trong quá trình đàm phán giữa Nga và Ukraine.

[EC hối thúc Nga tạo thuận lợi cho hoạt động nhân đạo tại Mariupol]

Trong diễn biến liên quan, hãng tin RIA (Nga) dẫn lời Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov ngày 24/4 cho biết hoạt động của đại sứ Nga tại Washington về cơ bản đã bị chặn.

Ngân hàng Bank of America đã khóa các tài khoản của 2 lãnh sự quán Nga tại Houston và New York.

Cơ quan này nhận được những lời đe dọa cả qua điện thoại và qua thư. Ở một số thời điểm, việc ra khỏi đại sứ quán cũng bị chặn.

Nga và Mỹ đã bất đồng về quy mô và chức năng của các phái đoàn ngoại giao mỗi nước kể cả trước khi cuộc khủng hoảng Ukraine xảy ra.

Sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi cuối tháng 2, Đại sứ quán Nga tại một số nước châu Âu cũng chịu sức ép.

Hơn 300 nhân viên ngoại giao Nga đã bị trục xuất và ngược lại, Nga cũng trục xuất các nhà ngoại giao nước ngoài để bày tỏ phản đối những sức ép nhằm vào Moskva./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục