LHQ kỳ vọng Ủy ban Hiến pháp sẽ giúp kết thúc chiến tranh ở Syria

Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho biết Ủy ban Hiến pháp ra đời, cùng với những bước đi tiếp theo, có thể là cánh cửa mở ra tiến trình xây dựng lòng tin giữa người dân Syria và cộng đồng quốc tế.
LHQ kỳ vọng Ủy ban Hiến pháp sẽ giúp kết thúc chiến tranh ở Syria ảnh 1Người di cư Syria tại một trại tị nạn ở thung lũng Bekaa, Liban. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 8/10, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho rằng việc thành lập một ủy ban nhằm soạn thảo một bản hiến pháp mới cho Syria vào cuối tháng 10 này sẽ là sự khởi đầu cho một tiến trình chính trị nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài tám năm qua ở quốc gia Trung Đông này.

Trong tuyên bố được 15 thành viên cơ quan quyền lực nhất của Liên hợp quốc thông qua ngày 8/10, Hội đồng Bảo an đã hoan nghênh thông báo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 23/9 về một thỏa thuận giữa Chính phủ Syria và phe đối lập liên quan tới việc thành lập một Ủy ban Hiến pháp gồm 150 thành viên.

Hội đồng Bảo an “ủng hộ mạnh mẽ” Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Geir Pedersen, người sẽ đóng vai trò thúc đẩy công tác của ủy ban “của người Syria và do người Syria lãnh đạo” trong việc triệu tập phiên họp đầu tiên tại Geneva vào ngày 30/10 tới. Hội đồng Bảo an đồng thời tái khẳng định “không thể có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột” tại Syria.

[LHQ: Ủy ban Hiến pháp thành lập mang lại hy vọng cho người dân Syria]

Cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết trong cuộc thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Hội đồng An ninh Nga đã nhấn mạnh điều quan trọng là tránh gây trở ngại đối với tiến trình hòa bình ở Syria.

Theo ông Peskov, cuộc họp đã thảo luận về việc thành lập một ủy ban hiến pháp ở Syria, đồng thời lưu ý rằng cần tránh có bất kỳ hành động nào gây cản trở cho tiến trình hòa bình ở Syria trong giai đoạn này.

Sau nhiều năm đàm phán căng thẳng, Tổng Thư ký Guterres cuối cùng đã tuyên bố về sự ra mắt của Ủy ban Hiến pháp Syria tại Geneva, được Liên hợp quốc ủng hộ và hậu thuẫn. Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho rằng việc Ủy ban Hiến pháp ra đời, cùng với những bước đi tiếp theo, có thể là cánh cửa mở ra tiến trình xây dựng lòng tin giữa người dân Syria và cộng đồng quốc tế.

Đặc phái viên Pedersen đã phác thảo cơ cấu của Ủy ban Hiến pháp Syria với số thành viên của chính phủ và phe đối lập là ngang nhau. Cụ thể, Ủy ban gồm 15 thành viên thuộc chính phủ, 15 thành viên phe đối lập và 15 thành viên các tổ chức dân sự chịu trách nhiệm soạn dự thảo hiến pháp, sau đó 150 thành viên thuộc ba thành phần nêu trên sẽ thảo luận các dự thảo và có thể thông qua dự thảo với tối thiểu 75% phiếu đồng thuận.

Ông khẳng định chính người Syria là những người thảo Hiến pháp và cũng chính người Syria phải thông qua với tỷ lệ đa số nếu muốn Hiến pháp mới có hiệu lực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục