LHQ lên án hành vi kích động thù hận và bạo lực vì lý do tôn giáo

Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh những phát ngôn kích động thù hận, dù trên không gian mạng hay trực tiếp, đều tiếp tục cổ xúy hành vi bạo lực đối với những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội.
LHQ lên án hành vi kích động thù hận và bạo lực vì lý do tôn giáo ảnh 1Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 22/8, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các quốc gia, các nhà lãnh đạo tôn giáo và các nhân vật có tầm ảnh hưởng khác lên án mọi hành vi kích động thù hận và bạo lực dựa trên tôn giáo hoặc tín ngưỡng.

"Chỉ có nỗ lực tập thể, bao trùm và với sự tham gia của toàn xã hội mới có thể giúp tất cả mọi người cùng chung sống an toàn và chấm dứt tình trạng tồi tệ này trong xã hội của chúng ta."

Tổng Thư ký Guterres đã đưa ra lời kêu gọi trên trong thông điệp nhân Ngày Quốc tế tưởng niệm các nạn nhân của hành vi bạo lực vì lý do tôn giáo hay tín ngưỡng 22/8.

[Pháp xét xử 13 đối tượng có hành vi kích động bạo lực trên mạng xã hội]

Mặc dù Đại Hội đồng Liên hợp quốc hồi năm 2019 đã ấn định ngày tưởng niệm này, song nhiều người dân trên thế giới vẫn tiếp tục đối mặt với tình trạng kỳ thị và bạo lực vì lý do tôn giáo hoặc tín ngưỡng.

Ông nhấn mạnh những phát ngôn kích động thù hận, dù trên không gian mạng hay trực tiếp, đều tiếp tục cổ xúy hành vi bạo lực đối với những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, bao gồm các cộng đồng dân tộc thiểu số và tôn giáo.

Các nước cần nỗ lực hơn nữa để hỗ trợ các nạn nhân và điều tra những yếu tố kích động sự kỳ thị và thù hận.

Trong bài phát biểu, Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh các nước trên thế giới có trách nhiệm ngăn chặn và giải quyết tình trạng phân biệt đối xử và bạo lực vì lý do tôn giáo hoặc tín ngưỡng.

Ông khuyến nghị thúc đẩy các chính sách hòa nhập, đa dạng, khuyến kích sự bao dung và đối thoại liên văn hóa và giao thoa văn hóa.

Người đứng đầu Liên hợp quốc đồng thời nhấn mạnh các hành vi vi phạm nhân quyền dựa trên tôn giáo, tín ngưỡng phải bị điều tra và trừng trị, trong khi phải đảm bảo các nạn nhân cần được bồi thường thỏa đáng theo luật nhân quyền quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục