Họp về vấn đề Syria

LHQ, Nga, Mỹ chuẩn bị nhóm họp về vấn đề Syria

Liên hợp quốc, Nga và Mỹ đã nhất trí tiến hành hội đàm vào tuần tới để thảo luận biện pháp nhằm đưa các bên tham chiến tại Syria.
Ngày 30/5, hãng thông tấn Nga Interfax dẫn một nguồn tin Bộ Ngoại giao Nga cho biết các quan chức Liên hợp quốc, Nga và Mỹ đã nhất trí tiến hành hội đàm vào tuần tới để thảo luận biện pháp nhằm đưa các bên tham chiến tại Syria ngồi vào bàn đàm phán hòa bình.

Theo nguồn tin này, cuộc gặp ba bên dự kiến sẽ được tổ chức tại Geneva (Thụy Sỹ) vào ngày 5/6 với sự tham dự của Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề chính trị Jeffrey Feltman, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị Wendy Sherman.

Trước đó, ngày 7/5, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tuyên bố sẽ nỗ lực đưa Chính phủ Syria và các đại diện phe đối lập sớm ngồi vào bàn đàm phán nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 26 tháng qua ở quốc gia Trung Đông này. Theo nguồn tin Bộ Ngoại giao Nga mà hãng thông tấn Interfax dẫn lời, tại cuộc trao đổi ở Paris (Pháp) hồi đầu tuần, ông Lavrov và ông Kerry đã nhất trí về cuộc họp cùng đại diện Liên hợp quốc vào ngày 5/6 tới ở Geneva.

Trong một diễn biến liên quan, Liên minh Dân tộc Syria (SNC), nhóm đối lập chính được phương Tây hậu thuẫn ở Syria, tuyên bố sẽ không tham gia cuộc hòa đàm do Nga-Mỹ bảo trợ. Phát ngôn viên của SNC cho rằng "hội nghị quốc tế nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị cho tình hình Syria sẽ không có ý nghĩa nếu các cuộc thảm sát vẫn diễn ra". Người phát ngôn này nhấn mạnh "SNC sẽ không tham gia bất cứ hội nghị quốc tế nào khi các tay súng của Iran và phong trào Hồi giáo Hezbolla vẫn can dự vào Syria."

Còn trong một cuộc họp của các đảng phái đối lập tại Syria diễn ra ngày 30/5 nhằm chuẩn bị cho cuộc hòa đàm tại Geneva, thủ lĩnh của nhóm đối lập đảng Thanh niên đã lên tiếng chỉ trích các điều kiện mà SNC đặt ra để tiến hành đàm phán với chính phủ nước này, cho rằng SNC đã "quen với các thủ đoạn và mánh khóe chính trị", cũng như khẳng định SNC không thể đại diện cho toàn thể người dân Syria trong các cuộc đàm phán hòa bình. Theo thủ lĩnh này, các nhóm đối lập tại Syria có thể cử một số đoàn đại biểu tham gia cuộc hòa đàm.

Cũng trong ngày 30/5, Ngoại trưởng Iran Ali-Akbar Salehi đã lên án mạnh mẽ quyết định mới đây của Liên minh Châu Âu (EU) dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với lực lượng nổi dậy ở Syria, cho rằng việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với các tay súng Syria "được sự bảo trợ từ bên ngoài" là một bằng chứng khác về "tiêu chuẩn kép" của EU. Ông Salehi tuyên bố công luận quốc tế sẽ không chấp nhận động thái của EU trong việc cung cấp vũ khí cho những "kẻ khủng bố" ở Syria và hy vọng EU sẽ thay đổi quyết định này.

[Tổng thống Syria tuyên bố rất tự tin vào chiến thắng]

Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng và Nguồn nước Israel Silvan Shalom cho biết nước này không muốn kích động "leo thang" quân sự với Syria, song sẽ không cho phép Damascus chuyển giao các vũ khí chiến lược cho các nhóm vũ trang như Phong trào Hồi giáo Hezbolla ở Lebanon.

Đề cập đến kế hoạch của Nga cung cấp các tên lửa phòng không S-300 cho Syria, ông Shalom cho rằng Israel sẽ hành động nếu những vũ khí chiến lược mà Chính phủ Syria sở hữu rơi vào tay những "kẻ xấu" hoặc có thể bị sử dụng để chống lại nhà nước Do Thái.

Phát biểu trên được đưa ra một ngày sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chỉ thị nội các của ông không đưa ra bình luận về việc Nga chuyển vũ khí cho Syria trong cố gắng xoa dịu căng thẳng với Damascus và Mátxcơva./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục