LHQ quan ngại về những tác động nghiêm trọng đối với người dân

Ngày 14/6, ông Al Hussein quan ngại sâu sắc về những tác động tiềm tàng của việc các nước láng giềng cô lập Qatar; cảnh báo nguy cơ người dân phải gánh chịu những hậu quả từ việc này.
LHQ quan ngại về những tác động nghiêm trọng đối với người dân ảnh 1Người đứng đầu Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Zeid Raad Al Hussein. (Nguồn: AFP)

Trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, ngày 14/6, người đứng đầu Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Zeid Raad Al Hussein bày tỏ quan ngại sâu sắc về những tác động tiềm tàng của việc các nước láng giềng cô lập Qatar, đồng thời cảnh báo nguy cơ người dân phải gánh chịu những hậu quả từ vụ việc này.

Trong một tuyên bố, ông Al Hussein đã bày tỏ lo ngại về những ảnh hưởng có thể có đối với vấn đề nhân quyền của nhiều người khi các nước vùng Vịnh gồm Saudi Arabia, các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập và Bahrain đồng loạt cắt đứt quan hệ ngoại giao và kinh tế với Qatar.

Ông nhận định các biện pháp được những nước trên áp dụng trong việc trừng phạt Qatar rõ ràng là "quá rộng cả về quy mô lẫn cách thức thực hiện."

[Thổ Nhĩ Kỳ: Cuộc khủng hoảng Qatar gây tổn hại tới thế giới Hồi giáo]

Quan chức Liên hợp quốc cảnh báo động thái trên có thể tác động nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng nghìn người dân, chỉ đơn giản bởi vì họ thuộc quốc tịch của một trong những quốc gia liên quan đến mối bất hòa trên.

Ông cho biết đã nhận được những báo cáo về việc một số cá nhân cụ thể được hướng dẫn phải rời khỏi đất nước nơi họ đang cư trú, hay bị chính phủ của nước mình yêu cầu hồi hương.

Ngoài ra, cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa các nước Arab và vùng Vịnh với Qatar cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến một số gia đình đa quốc tịch và con cái họ, cũng như các sinh viên du học.

Trước những hậu quả không mong muốn trên, ông Al Hussein hối thúc tất cả các bên liên quan nhanh chóng giải quyết bất đồng thông qua đối thoại và kiềm chế mọi hành động có thể ảnh hưởng đến sự thịnh vượng, sức khỏe, việc làm và đời sống của người dân.

Hôm 5/6 vừa qua, 6 quốc gia Arab và vùng Vịnh, gồm Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain, UAE, Yemen và chính phủ Libya (được quốc tế công nhận) đồng loạt chấm dứt quan hệ ngoại giao với Qatar chỉ trong vòng vài giờ với cáo buộc Doha hỗ trợ các nhóm khủng bố và can thiệp vào công việc nội bộ các nước trong khu vực.

Cuộc khủng hoảng ngoại giao tiếp tục leo thang ngày 9/6 vừa qua khi Saudi Arabia, UAE, Ai Cập và Bahrain liệt 59 cá nhân và 12 tổ chức có liên quan Qatar vào danh sách khủng bố.

Đây có thể xem là "giọt nước tràn ly," bởi mối bất hòa giữa Doha với các nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), nòng cốt là Saudi Arabia, cùng với Ai Cập vốn dĩ đã "âm ỉ" trong thời gian dài.

Các nước Arab và vùng Vịnh lâu nay cáo buộc Qatar hỗ trợ về chính trị, truyền thông và tài chính cho các nhóm đối địch ở nhiều nước cũng như các tổ chức khủng bố, cực đoan tại Libya, Ai Cập, Syria, Yemen và Tunisia, trải dài tới tận Trung Á, Bắc Phi và vùng Sừng châu Phi, với mục tiêu “gây bất ổn và mở rộng ảnh hưởng” trong khu vực.

Tuy nhiên, phía Qatar luôn bác bỏ các cáo buộc trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục