LHQ tích cực kiến tạo hòa bình trên toàn cầu

Liên hợp quốc đã và đang tích cực hòa giải, ngăn chặn các cuộc xung đột tại các nước như Sudan, Cote d'Ivoire, Nigeria và Trung Phi
Liên hợp quốc đang tích cực tham gia giải quyết hòa bình các cuộc xung đột và nguy cơ xung đột trên toàn cầu.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã kêu gọi tất cả các bên trong cuộc xung đột đẫm máu ở Darfur, Sudan, tham gia tiến trình hòa bình. Trước đó, với vai trò trung gian hòa giải của Liên hợp quốc, các bên đã ký thỏa ước ngừng các hành động thù địch và xung đột ở Darfur.

Tại Cote d'Ivoire, Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Y. J. Choi đã hòa giải làm dịu tình hình căng thẳng ở nước này sau khi chính phủ và Ủy ban bầu cử bị giải tán.

Liên hợp quốc hỗ trợ tiến trình thành lập chính phủ và Ủy ban bầu cử mới, các bước đi quyết định để tổ chức cuộc bầu cử bị trì hoãn nhiều lần để thống nhất đất nước sau cuộc nội chiến năm 2002.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Alain Le Roy, ngày 25/2, đã đến Cộng hòa Tchad để thúc đẩy hợp tác giữa chính phủ nước này với Phái đoàn gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Tchad và Cộng hòa Trung Phi, làm dịu tình hình căng thẳng ở biên giới Tchad và Sudan.

Các quan chức Liên hợp quốc phối hợp với các quan chức Liên minh châu Phi (AU) và Cộng đồng kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) đến Nigeria để tháo gỡ tình hình căng thẳng sau cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính phủ nước này.

Phái đoàn đã thảo luận với nhóm quân sự đảo chính để đánh giá tình hình, thúc đẩy họ cam kết và thực hiện cam kết tổ chức bầu cử và đưa đất nước trở lại trật tự hiến pháp. Phái bộ Liên hợp quốc cũng đồng thời tổ chức cứu trợ khẩn cấp nhân đạo cho 7,7 triệu người dân, chiếm 50% số dân nước này, ngăn chặn thảm hoạ nội chiến và thảm họa nhân đạo ở Nigeria.

Tại Botswana, Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của người bản xứ đã khẳng định các vấn đề hiện nay của cộng đồng người bản xứ nước này phải gắn với bản sắc và đa dạng văn hóa, tư vấn và quyền được tham gia chính trường của họ.

Ông kêu gọi Chính phủ Botswana thực hiện các sáng kiến giải quyết điều kiện sống, quyền có đất đai để phát triển cũng như bảo vệ văn hóa đa dạng của các bộ tộc người bản xứ ở nước này.

Tại châu Á, Liên hợp quốc cũng thể hiện mạnh mẽ vai trò kiến tạo hòa bình của mình. Đại diện của Tổng Thư ký Liên hợp quốc ở Nepal, Karin Landgren, đã đến Nepal để thảo luận với chính phủ nước này về nguy cơ bùng nổ trở lại xung đột.

Ông nhấn mạnh Liên hợp quốc khách quan trong việc ủng hộ tiến trình hòa bình đã chấm dứt hơn một thập kỷ nội chiến ở Nepal làm 15.000 người chết.

Tại Afghanistan, Đặc Phái viên Liên hợp quốc tại nước này Kai Eide, đã đề nghị các biện pháp xây dựng lòng tin để thúc đẩy hoà giải dân tộc ở Afghanistan. Hội nghị hòa bình Afghanistan ở London (Anh) có 70 nước tham dự đã thỏa thuận lập quỹ tài chính giúp hòa nhập các phần tử phiến loạn Taliban chấp nhận ngừng chiến sự.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi thực hiện các giải pháp sáng tạo đối với 16 vùng lãnh thổ vẫn chưa giành được quyền tự quyết và đang nằm dưới quyền của các nước ủy trị trong đó có Tây Sahara và quần đảo Malvinas.

Ông yêu cầu Ủy ban đặc biệt của Liên hợp quốc về phi thực dân hóa thúc đẩy các công việc phi thực dân hóa các lãnh thổ này.

Các hoạt động của Ủy ban nhằm thực hiện phi thực dân hóa lãnh thổ Tokelau ở Nam Thái Bình Dương đang diễn ra trùng với thời điểm kết thúc Thập kỷ quốc tế thứ 2 loại trừ chủ nghĩa thực dân và kỷ niệm 50 năm Tuyên bố giành độc lập cho các dân tộc và các lãnh thổ bị thực dân hóa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục